Cơ chế tài chính ưu đãi này vừa Thủ tướng đồng ý áp dụng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất do Công ty lọc-hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành.
Công ty lọc-hóa dầu Bình Sơn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm; áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên mà Công ty có thu nhập chịu thuế từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải phê duyệt và cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty lọc-hóa dầu Bình Sơn, đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định, có tính đến việc mở rộng, nâng công suất thiết kế nhà máy lên 10 triệu tấn/năm và tạo điều kiện để cổ phần hóa; Sử dụng nguồn lãi dầu, khí chia cho nước chủ nhà để lại hàng năm cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty lọc-hóa dầu Bình Sơn. Ngoài ra, Công ty cũng được trích khấu hao tài sản cố định đối với thiết bị chính của nhà máy trong thời gian tối đa 20 năm.
Đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước sẽ thu điều tiết đối với toàn bộ sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu, LPG) và sản phẩm hóa dầu do Công ty lọc- hóa dầu Bình Sơn sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước. Thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu của công ty thực hiện từ năm tài chính 2012 đến hết năm 2018.
Tỷ lệ thu điều tiết là chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu của các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu tại thời điểm tiêu thụ trừ mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%; LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%. Trường hợp thuế nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu do Nhà nước quy định thấp hơn mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho Công ty lọc- hóa dầu Bình Sơn và đưa mức giá trị ưu đãi vào giá bao tiêu sản phẩm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cho biết, các cơ chế tài chính ưu đãi sẽ giúp lọc dầu Dung Quất hoạt động hiệu quả kinh tế; tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, tái đầu tư nâng công suất, mở rộng nhà máy lên 10 triệu tấn/năm trong thời gian tới; giảm áp lực về chênh lệch tỷ giá đồng USD nhập khẩu dầu thô và tiền đồng Việt Nam khi chế biến, tiêu thụ sản phẩm xăng, dầu trong nước.
Điều này ví như "đòn bẩy" giúp nhà máy dần đi vào hoạt động ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao sau khi Tổ hợp nhà thầu Technip chính thức bàn giao công trình cho Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành vào cuối năm nay.