Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dựng “Tai biến” sau tai biến

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vở kịch "Tai biến" vừa ra mắt, đang chờ ngày công diễn chính thức, là vở diễn đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) sau mấy chục năm im ắng.

 Rất nhiều người tò mò, không hiểu những "vị tướng" mới có lấy được phong độ cho "anh cả đỏ" một thời của sân khấu kịch, sau những sóng gió của thời nguyên Giám đốc Nguyễn Anh Dũng và nguyên Giám đốc Lê Hùng? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sỹ Ưu tú Anh Tú - Phó Giám đốc NHKVN, cũng là đạo diễn của vở "Tai biến", về thời hậu tai biến.

 Tìm lại dáng dấp xưa kia

Vở "Tai biến" mới ra mắt, nhưng nhiều người đánh giá đây là điểm cộng cho NHKVN sau thời gian tưởng như không hoạt động. Nghe nói từ kịch bản "Ba người đàn ông và căn bệnh tai biến" của nhà văn Xuân Đức thành vở "Tai biến" là cả quá trình đấu tranh của Ban Giám đốc với các thành viên Hội đồng nghệ thuật NHKVN?

- Nói là đấu tranh có vẻ ghê gớm, nhưng kịch bản ban đầu gặp nhiều luồng ý kiến phản đối từ Hội đồng nghệ thuật NHKVN. Có người nói chung chung là không thích, người lại bảo kịch bản quá rườm rà, giao đãi, minh họa vụ việc... Kịch bản sân khấu của nhà văn Xuân Đức chưa phải đã hoàn mỹ, nhưng là kịch bản khá nhất trong vài chục kịch bản đã đọc. Ý tưởng và câu chuyện trong kịch bản sâu sắc hơn các kịch bản khác. Các vấn đề như: Lợi ích phe nhóm, xu thế quyền lực... đang là những vấn đề gây bức xúc trong cuộc sống hiện nay.

Dựng “Tai biến” sau tai biến - Ảnh 1

Nhưng chắc chắn, Ban Giám đốc mới của NHKVH, những cán bộ nguồn từ Nhà hát Tuổi trẻ, những "vị tướng" mới được bổ nhiệm vài tháng, không thể đủ tự tin một mình bảo vệ quan điểm cho đứa con tinh thần đầu tiên ở vị trí mới, một vị trí đang được rất nhiều người trông đợi và soi xét?

- Giám đốc Nguyễn Thế Vinh và tôi giữ vai trò là Phó Giám đốc nghệ thuật NHKVN đã đối thoại với Hội đồng nghệ thuật để bảo vệ quan điểm. Nhưng đây là vở kịch đầu tiên của NHKVN sau thời gian sóng gió nên đòi hỏi chúng tôi phải thận trọng.

Sự thận trọng đó được thể hiện như thế nào trong quá trình đưa ra quyết định dàn dựng vở kịch?

- Đầu tiên chúng tôi gửi kịch bản lên Cục Nghệ thuật biểu diễn và đồng thời gửi tới GS Đình Quang xin ý kiến và chờ thẩm định. Khi Cục đồng ý, GS Đình Quang góp ý chúng tôi đưa vào dàn dựng và trao đổi liên tục với nhà văn Xuân Đức về những ý định thay đổi một số chi tiết trong kịch bản. Sau khi dàn dựng xong, chúng tôi đã đón nhà văn Xuân Đức từ Quảng Trị ra Hà Nội chứng kiến đứa con tinh thần của mình trên sân khấu kịch. Ông bày tỏ sự hài lòng khi một vấn đề nóng bỏng được tạo dựng nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Sau đó, tôi mời hội đồng gồm những tên tuổi cốt cán của làng kịch Việt Nam như: GS.TS NSND Đình Quang, NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Doãn Châu, NSƯT Tú Mai... Tiếp buổi đánh giá của các vị "lão làng" sân khấu kịch là buổi sơ duyệt của Hội đồng nghệ thuật NHKVN như: NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, Doãn Bằng... Và cuối cùng là buổi xét duyệt của Hội đồng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Có thể nói, chưa có vở kịch nào trải qua nhiều giai đoạn xin ý kiến và chờ xét duyệt như "Tai biến". Nhưng điều tôi vui nhất không phải mọi người ngợi khen đạo diễn, họa sĩ hay diễn viên mà sau khi xem "Tai biến" mọi người đều đánh giá đây là vở diễn thành công, lấy lại dáng dấp, đài từ của NHKVN, đi được vào vấn đề nóng bỏng của xã hội mà một nhà hát sân khấu kịch quốc gia luôn phải đi đầu.

Xu hướng truyền hình hóa sân khấu

Khán giả ngoài Bắc ngày càng thờ ơ với sân khấu một phần do xu hướng truyền hình hóa sân khấu. Là người trong cuộc, anh nhận xét thế nào về tình trạng này của sân khấu kịch?

- Khán giả nhận xét là truyền hình hóa sân khấu bởi vì hiện nay sân khấu đang sa đà vào từng vụ việc, mang tính minh họa và hời hợt. Trong khi, truyền hình có thể kéo câu chuyện dài vài chục đến trăm tập, thì sân khấu phải gói gọn trong vòng 2 tiếng nên chắc chắn không thể góc này một cảnh, góc kia một cảnh, ở chỗ khác lại là câu thoại đặc tả.

Vậy kế hoạch trong tương lai của NHKVN như thế nào để không bị rơi vào xu hướng này?

- "Tai biến" chỉ là chặng đường tốt đẹp đầu tiên tránh được xu thế của sân khấu hiện nay. Chiến lược của chúng tôi không chỉ ở vở diễn này mà là cả chặng đường. Cuối tháng 6/2013, NHKVN sẽ khởi dựng lại vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Cuối năm nay, NHKVN sẽ dựng một vở kịch trong chùm kịch bản nổi tiếng của Chekhov. Một nhà hát kịch quốc gia mà không có vở diễn của Chekhov là điều đáng tiếc. Ngoài ra, chúng tôi sẽ nghiên cứu những vở diễn tốt, từng nổi tiếng trong 60 năm qua của nhà hát xem vở nào còn phù hợp với ngày hôm nay để phục dựng tiếp.

Phục dựng để công diễn hay để xếp vào "bảo tàng" sân khấu?

- Chắc chắn là để diễn. Từ chính kịch, bi kịch, hài kịch đều phải hướng đến khán giả, vì mục đích cuối cùng của sân khấu là dành cho khán giả. Ví dụ như đầu năm 2012, NHKVN đã phục dựng "Hàng xóm chung cư" công diễn từ tháng 6/2013. Hiện nay, chúng tôi cũng đang xúc tiến sửa sân khấu nhỏ của nhà hát tại số 1 Tràng Tiền để làm điểm diễn thường xuyên của kịch Việt Nam.

Xin cảm ơn anh!