Dừng thu phí BOT nếu để đường hư hỏng không sửa chữa: Tăng trách nhiệm của chủ đầu tư

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa yêu cầu tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng đường bộ. Trong đó, đối với các dự án BOT đang thu phí, nếu để hư hỏng mất ATGT mà không sửa chữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quyết định tạm dừng thu phí khi cần thiết. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp cần thiết để tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, không chỉ tập trung lo thu phí mà bỏ mặc đường xuống cấp.

 Trạm BOT Quốc lộ 2 đã dừng thu phí. Ảnh: Hòa Thắng
Những tuyến đường bị bỏ quên
Hiện nay, trên địa bàn cả nước đang có 9 dự án BOT tạm dừng thu phí. Hầu hết trong số này đều là những dự án sắp hết thời hạn hợp đồng và đang chờ được thanh lý hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km2+478 - Km12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy. Bên cạnh đó còn có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km 50+889. Tất cả những dự án trên đều chưa thanh lý được hợp đồng, bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn. Trong đó có thể kể đến các chi phí về lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay nên chưa xác định thời điểm dừng thu phí. Vấn đề nằm ở chỗ, dù chưa được thanh lý hợp đồng nhưng để tránh việc các dự án này thu quá thời gian quy định trong hợp đồng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho tạm dừng thu phí. Và gần như ngay lập tức, các DN dự án cũng chấm dứt luôn công tác bảo trì hoặc thực hiện bảo trì công trình một cách hình thức, kém hiệu quả.

Hệ quả của việc bị bỏ quên là hàng loạt các tuyến đường thuộc những dự án BOT tạm dừng thu phí này bị xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử như trạm thu phí Quốc lộ 1K, đặt tại khu vực phường Tân Đông Hiệp, tỉnh Bình Dương dừng thu phí từ tháng 10/2020 nhưng hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng mặt đường trên các tuyến đường thuộc dự án này đã xuống cấp rất nhanh chóng. Sau khi dừng thu phí, thứ còn lại tại trạm BOT này là những vật dụng thép hoen rỉ, xuống cấp, bị biến thành điểm tập kết rác tự phát, trông rất nhếch nhác, mất vệ sinh. Ngoài khu vực trạm thu phí, hệ thống đèn tín hiệu trên đường cũng rơi vào tình trạng lập lòe, lúc mờ lúc tỏ như đèn đom đóm. Ngoài ra, còn không ít tuyến BOT bị xuống cấp nhưng không được bảo trì, sửa chữa kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, gây bức xúc cho dư luận.

Dừng thu phí, chủ đầu tư vẫn phải bảo trì đường?

Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra giải pháp tham mưu cho bộ để quản lý, bảo trì các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian dừng thu phí, đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT các địa phương, nhà đầu tư BOT và Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ, đường cao tốc. Trong văn bản này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, các dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn thành việc xác lập quyền sở hữu toàn dân, chưa chuyển giao công trình BOT cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì nhà đầu tư dự án vẫn có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình. Do đó, các nhà đầu tư BOT phải có trách nhiệm bảo trì đường cho đến khi hợp đồng được thanh toán xong. Cùng với đó, nếu để đường hư hỏng mất ATGT mà không sửa chữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quyết định tạm dừng thu phí khi cần thiết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, đề xuất chính sách để giải quyết tình trạng trên. Theo ông Cường, Nghị định 33/2018 quy định, khi tuyến đường chưa được xác lập là tài sản toàn dân thì không được dùng ngân sách Nhà nước để bảo trì. Còn theo Nghị định 29/2018, trong thời gian chờ xác lập là tài sản Nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ chịu trách nhiệm bảo quản tài sản bằng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, thế nào là “bảo quản” thì chưa có hướng dẫn cụ thể, vậy nên Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng, xin giao cho bộ quản lý, được sử dụng ngân sách để sửa chữa và thực hiện công việc liên quan, đảm bảo tuyến đường êm thuận tới khi bàn giao về Nhà nước. Theo ông Cường, sau khi dừng thu phí, đường xuống cấp, đại diện Tổng cục Đường bộ nhiều lần đàm phán để nhà đầu tư tiếp tục bảo trì. Tuy nhiên, nhà đầu tư lấy lý do không được thu phí nên không có nguồn cho bảo trì hoặc hợp đồng không có điều khoản này sau khi dừng thu phí, nên không bảo trì.

Quy định rõ trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, việc các dự án BOT dừng thu phí không được bảo trì dẫn đến bị xuống cấp, hư hỏng thì trách nhiệm thuộc cả về Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT. “Bộ GTVT thì cho rằng trong thời gian tạm dừng thu phí, trách nhiệm bảo trì đường vẫn thuộc về chủ đầu tư dự án. Trong khi các nhà đầu tư BOT lại cho rằng, hiện chưa có hành lang pháp lý tạm dừng thu phí các dự án BOT. Ngoài ra, việc dự án chưa được bàn giao cho Nhà nước nên Nhà nước cũng không thể ghi vốn bảo trì vào được” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Còn đối với dự án BOT đang hoạt động, thu phí cũng cần phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn. Theo đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT cần phải cứng rắn, rõ ràng hơn. Với những dự án BOT vẫn đang trong thời gian thu phí, nếu phát hiện dự án xuống cấp, hư hỏng, cơ quan quản lý Nhà nước phải buộc nhà đầu tư dừng thu phí, bảo trì xong mới được phép thu phí tiếp. Với những dự án hết thời gian thu phí, khi được bàn giao phải bảo đảm chất lượng, còn khai thác tốt mới tiếp nhận.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nhìn nhận, thực trạng đường BOT xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông là thực tế gây nhiều trăn trở. Nguyên nhân là do mâu thuẫn trong xác định mục tiêu. Cơ quan quản lý Nhà nước hướng tới mục tiêu tiếp nhận một dự án bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tham gia giao thông, trong khi đó, người kinh doanh chỉ mong muốn mang lại lợi nhuận cao nhất cho khoản vốn bỏ ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát, quản lý các dự án BOT phải quyết liệt hơn nữa để tăng trách nhiệm lên chủ đầu tư. Có như vậy, các tuyến đường mới bảo đảm chất lượng, ATGT.

Bộ GTVT hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề bằng nhiều cách như có thể ký phụ lục để thu phí cho bảo trì với mức phí rất thấp cho tới khi bàn giao đường cho Nhà nước khi nhà đầu tư đã thu đủ vốn và lợi nhuận từ dự án. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có thể cho phép nhà đầu tư bỏ tiền để bảo trì, khi bàn giao xong sẽ dùng quỹ bảo trì hoàn trả. Bây giờ vấn đề quan trọng nhất là sớm sửa chữa, bảo trì những tuyến đường xuống cấp để bảo đảm ATGT, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Luật sư Bùi Đình Ứng
Cơ quan quản lý Nhà nước phải giữ lại một khoản tiền nhất định từ dự án hoặc buộc nhà đầu tư phải đóng khoản phí bảo hành cho dự án. Số tiền này phải đủ để bảo đảm cho dự án có thể vận hành, khai thác tốt trong thời hạn bao nhiêu năm sau khi dự án hết thời gian thu phí. Hết thời gian bảo hành, số tiền sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư.

TS Nguyễn Xuân Thủy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần