Nửa tháng trước, thấy con là bé Bình, hơn 2 tháng tuổi, có nhiều vết loét màu vàng trong miệng, bố cháu đã tìm đến nhà một thầy lang trong xã mua về 3 loại thuốc: thuốc bột màu cam để bôi vào miệng, thuốc bột màu tro để bôi hông khi vùng này có nốt đỏ và một loại hoa khô thì đem giã, đun sôi rồi cho bé uống. Sau khi uống nước hoa khô 2 lần, bé Bảo bị nôn nên bố mẹ cho ngừng thuốc. Thuốc màu tro cũng sử dụng hai lần rồi thôi. Riêng thuốc màu cam, sau hơn một tuần dùng, Bảo bắt đầu có biểu hiện co giật toàn thân, người tím tái. Cháu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ nhưng các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Ngày 28/10 bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, tím tái, hôn mê. Tiến sĩ Phạm Văn Thắng, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nghi ngờ cháu bị ngộ độc, khoa đã gửi mẫu máu, mẫu nước tiểu và mẫu thuốc màu cam mà người nhà sử dụng cho cháu sang Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kiểm nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy, mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL, thuốc bột màu cam có 10% hàm lượng chì. Theo các bác sĩ, khả năng cháu Bảo đã bị ngộ độc chì và tình trạng này có thể liên quan đến sử dụng thuốc bắc trước đó. Bác sĩ Thắng cho biết, hôm qua, bé Bảo đã được chuyển sang Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để được tiếp tục điều trị. Theo bác sĩ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển cả thể chất và trí tuệ, khó hồi phục hoàn toàn. Đơn vị này từng tiếp nhận vài trường hợp trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc bắc, thuốc nam như vậy.