Điều ấy xuất phát từ việc họ dường như không biết trân trọng giá trị bản thân. Thậm chí, nhiều người lúc nào cũng cảm thấy tự ti, coi mình không có giá trị gì và sẵn sàng lao vào những việc tiêu cực. Trong khi đó, thực tế cho thấy, người tôn trọng bản thân luôn phấn đấu để thắng những điều xấu, điều thiếu lành mạnh trong chính mình và quanh mình. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà một người có được sự tự tin và biết yêu chính mình, cách sống ấy phải được tích lũy từ nhỏ, bằng những chỉ bảo và tấm gương đúng nhất. Không phải ai khác, chính các bậc cha mẹ nên dạy con từ nhỏ để biết cách không xúc phạm ai và cũng không để ai xúc phạm mình, nâng niu thân thể và con người của mình, để dần dần lớn lên con có thể cười và đứng dạy trước những va vấp trong cuộc sống bằng sự tự tin của chính mình. Các chuyên gia cho rằng, mỗi người cần xác định những gì mà họ từ thấy thích về bản thân và tìm ra ít nhất một điều cảm thấy tự hào về chính mình sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Đồng thời, đặt ra mục tiêu cho bản thân có thể đạt được, hãy bắt đầu với một mục tiêu dễ dàng và phù hợp nhất. Điều quan trọng nữa là phải học cách chấp nhận thực tế bản thân với những mặt tốt, xấu và tìm cách kiểm soát nhiều khía cạnh về bản thân sẽ khiến mình tự tin hơn. Cuộc sống đã cho chúng ta thấy rằng, tin vào bản thân, tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời thừa nhận bản thân mà không cần điều kiện gì, đó chính là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho mình. Có lòng tin vào bản thân, chúng ta có thể đối mặt với tất cả mọi hoàn cảnh, không sợ hãi, không cần phải bán lòng tự trọng để mua lấy bất kỳ một quyền lợi không chính đáng nào. Tin vào bản thân, tin vào sự độc đáo của mình, hoàn toàn ổn thỏa và không cần phải chứng minh điều gì cho ai. Một khi không tin vào bản thân, không đánh giá mình một cách tích cực, không cảm thấy mình có giá trị, không đủ khả năng, chúng ta tự đặt những rào cản giới hạn lên khả năng đối phó với những thay đổi, những thách thức trong cuộc đời của mình.