Dược liệu Sóc Sơn mong chờ một nhãn hiệu tập thể

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có khoảng 66ha. Dù mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng việc phát triển loại cây trồng này vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Diện tích trồng cây dược liệu nằm phân tán tại nhiều địa phương. Trong đó, xã Bắc Sơn có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất với 20ha. Tiếp đến là các xã: Minh Trí 13,5ha, Minh Phú 6,5ha, Xuân Giang 6ha, Nam Sơn 3ha, Bắc Phú và Trung Giã - mỗi địa phương có 1ha. Chủng loại cây trồng chủ yếu là: Chè hoa vàng, Khôi tía, Dẻ quạt, Bát chi liên, Phúc Bồn tử, Cát Sâm, Đương Quy, Mộc hoa…
 Vùng cây dược liệu tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, thâm canh, cơ giới hóa khâu sản xuất chế biến, giá trị của cây dược liệu mang lại đạt từ 280 - 420 triệu đồng/ha. Đối với những diện tích cây dược liệu canh tác hữu cơ, giá trị mang lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần về giá bán. Qua đó, đời sống của người trồng cây dược liệu đã được cải thiện đáng kể. Quan trọng hơn, cây dược liệu đã và đang dần trở thành hướng đi đúng đắn giúp giảm nghèo cho người dân các địa phương nơi đây.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng khó khăn trong phát triển cây dược liệu hiện còn rất lớn. Nổi cộm là cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn. Huyện chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ xây dựng vườn bảo tồn cây giống gốc. Công nghệ bảo quản, chế biến cây dược liệu nhìn chung còn hạn chế. Diện tích cây dược liệu còn nhỏ lẻ, phân tán…
Trong những năm tới, huyện Sóc Sơn định hướng tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu tại các xã vùng đồi gò; từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh; phấn đấu xây dựng Sóc Sơn trở thành trung tâm du lịch sinh thái trải nghiệm kết hợp chăm sóc sức khỏe từ các sản phẩm thảo dược.
Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị các cấp, ban ngành của TP có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, tín dụng (cho vay thế chấp bằng tài sản trên đất, kéo dài thời hạn cho vay, tăng định mức vay…) để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thảo dược.
Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng vườn bảo tồn giống gốc, cơ giới hóa trong bảo quản, chế biến cây dược liệu… Đây sẽ là những điều kiện cần thiết, tiền đề quan trọng để cây dược liệu Sóc Sơn tiếp tục mang lại những giá trị lớn hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân các địa phương vùng đồi gò của huyện.