KTĐT - Dự báo từ chiều 2-11, các sông từ Khánh Hòa đến bắc Bình Thuận có lũ đặc biệt lớn.
Em Lê Đại Thống, 13 tuổi, thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (Ninh Thuận), được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi nóc chòi rẫy lúc 20g tối qua sau tám giờ bị kẹt - Ảnh: VIỄN SỰ |
Chỉ trong ngày 1-11, nhiều khu vực ở huyện Ninh Phước và TP Phan Rang - Tháp Chàm của Ninh Thuận lần lượt chìm trong lũ lịch sử. Đến 0g ngày 2-11, lực lượng cứu hộ đã có gần 24 tiếng đồng hồ đuổi theo đỉnh lũ để cứu dân.
0g30 sáng 1-11, một hồi còi hụ xé toạc màn mưa đang dữ dội ở Ninh Phước (Ninh Thuận). Đó là tiếng còi báo động từ huyện đội Ninh Phước, báo động về mức nước đã vượt lũ lịch sử năm 2003 là 0,5m trên sông Lu. Cuộc cứu hộ trên đỉnh lũ đầu tiên bắt đầu.
Đỉnh lũ thứ nhất này bao trùm các xã Phước Hữu, Phước Vinh, Phước Dân... Chính quyền và người dân Ninh Phước đã trở tay không kịp khi nước lũ hồ Tân Giang xả với tần suất 260m3/giây cộng với mưa gần 300mm chỉ trong sáu giờ đã làm các xã vùng nam Ninh Phước chìm trong nước từ 1,5-3m.
Ông Nguyễn Hữu Trọng (70 tuổi, phải), người dân đầu tiên được cứu khỏi lũ ở Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) - Ảnh: VIỄN SỰ |
2g sáng, năm chiếc xuồng cứu hộ được hạ thủy cứu dân, chủ yếu đang bám trên những giàn nho và nóc nhà. Thượng tá Đỗ Tài Hải, chỉ huy trưởng huyện đội Ninh Phước, cho biết chỉ trong vòng hai giờ lực lượng cứu hộ tại chỗ đã cứu được gần 500 người dân. Tuy nhiên, đến gần sáng thì con số 500 đó trở nên quá nhỏ bé so với cả vạn người dân đang lóp ngóp trên nóc giàn nho và chòi rẫy khắp vùng nam Ninh Phước. Đoàn 5 đặc công đóng tại Ninh Thuận đã điều khẩn cấp 10 canô, xuồng cứu hộ và đến trưa thì con số dân cứu được đã không thể đếm nổi. Dọc các tuyến đường còn cao ráo ở thị trấn Phước Dân, người dân được cứu lên và tạm trú dày đặc.
Ông Trần Đông Sinh ở KP1 (thị trấn Phước Dân), người đã phải trổ ngói để đưa vợ, con gái và cháu ngoại ra ngoài để vẫy lực lượng cứu hộ, sửng sốt: “Lũ năm 2003 là lớn nhất, nước cũng chỉ vào nhà 3 tấc, còn năm nay không trổ nóc chắc chỉ có nước chết. Đâu ai nghĩ vùng đất khô hạn này mà cũng có ngày nhà ngập lút mái”.
Các chiến sĩ của trung đoàn 896 cùng nhân dân hộ đê sông Dinh (Ninh Thuận) - Ảnh: T.T.D. |
10g30, lũ tại phía nam Ninh Phước bắt đầu rút, tuy nhiên một đỉnh lũ mới lại xuất hiện tại các xã An Hải, Phước Hải, Phước Hậu và phía bắc thị trấn Phước Dân do nước từ thượng nguồn đổ về. Ngay lập tức toàn bộ lực lượng cứu hộ được điều chuyển khẩn cấp về đây. Con số mà chính quyền các xã báo cho lực lượng cứu hộ có khoảng gần một vạn dân đang bị cô lập, chủ yếu là trong các chòi rẫy nho và đìa tôm. Tiếng người lẫn tiếng dê cừu kêu váng trời đất, tuy nhiên thuyền cứu hộ đã không thể tiếp cận vì dây thép từ các giàn nho quấn vào chân vịt làm tàu không đi sâu được.
Các chiến sĩ đoàn 5 đặc công đang cứu hộ đã phải neo xuồng trên nóc giàn nho và dùng phao bơi vào dìu dân ra ngoài. Người đầu tiên tại Bình Quý được cứu là ông Nguyễn Hữu Trọng (70 tuổi). Được đưa lên từ làn nước lạnh, ông Trọng kể lại khi chưa hết hoảng hốt: “Trưa thấy nước lên, tui kêu thằng em đem thúng vô đưa vợ và cháu ngoại ra. Nhưng đi được một chuyến thì quay lại không kịp nữa”.
Nhà dân bị ngập ở khu vực ngoài đê sông Dinh, dưới chân cầu Đạo Long 1, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) - Ảnh: T.T.D. |
Cùng với ông Trọng, hơn 200 người dân nữa ở thôn Bình Quý và Long Bình đã kịp thời được cứu khỏi những chòi rẫy canh nho. Tuy nhiên ai nấy mắt đều đỏ hoe khi cạnh những mái nhà là tất cả các chuồng dê, cừu - tài sản lớn nhất của những người nông dân Ninh Thuân - đã bị ngập và chết ngộp.
20g, khi chúng tôi vừa rời khỏi xuồng cứu nạn tại vùng đỉnh lũ thứ hai của Ninh Phước đã nghe bộ đàm của lực lượng cứu hộ thét vang: “Cứu đê sông Dinh! Cứu đê sông Dinh!”. Lúc này nước sông Dinh đã đạt cao hơn báo động 3 đến 0,8m, bắt đầu vượt đỉnh lũ năm 2003 và tiếp tục lên nhanh.
22g đêm qua, ông Trần Minh Nam, chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết đỉnh lũ đã chính thức chuyển về đây và suốt đêm đến sáng TP sẽ huy động 500 người thuộc nhiều lực lượng để giữ cho được đê sông Dinh khỏi vỡ tại đoạn phường Mỹ Hương.
Nơi hạn hán nhất chìm trong biển nước Ngày 1-11 là ngày thứ ba liên tiếp Ninh Thuận hứng chịu những trận mưa lớn chưa từng có với lượng mưa bình quân gần 400mm, riêng TP Phan Rang - Tháp Chàm lên đến 700mm. Trong khi lượng mưa bình quân của tỉnh Ninh Thuận là 600mm/năm. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Ninh Thuận, lũ từ thượng nguồn tiếp tục ào ạt đổ về làm nước trên các sông Cái, sông Lu vượt báo động 3 từ 1-1,5m. Quốc lộ 27, tuyến giao thông huyết mạch từ TP Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt, bị tê liệt hoàn toàn từ rạng sáng qua. Tại thôn Cầu Chuối, phường Đô Vinh (TP Phan Rang - Tháp Chàm) giáp ranh với huyện Ninh Sơn, nước làm sạt lở nặng lòng đường, lưu thông tắc nghẽn, chia cắt vùng này với trung tâm TP. Trong khi đó, tại chân đèo Cậu - giáp ranh hai xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn), lũ đã cuốn phăng một phần đường, cống thoát, làm cô lập hàng trăm nhà dân trong khu vực. Tất cả các tuyến đường tại trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm ngập trong nước. Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Ninh Thuận cho biết đã có hai người dân ở xã Phước Hải, An Hải (Ninh Phước) bị lũ cuốn trôi, hơn 1.600 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước (trong đó 56 nhà bị sập), hàng chục kilômet quốc lộ, tỉnh lộ... bị sạt lở nghiêm trọng. Đến chiều qua lũ vẫn dữ dội, làm vỡ hồ Phước Trung (Bác Ái) một đoạn dài hơn 50m. Tất cả hồ thủy lợi trong tỉnh đã vượt dung tích cho phép, buộc phải xả lũ. Lâm Đồng: 3 xã bị cô lập, 1 người thiệt mạng Chiều 1-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn đã có một người chết do lũ cuốn trôi, ba xã bị cô lập hoàn toàn và một số khu vực khác có nguy cơ bị ngập do thủy điện xả lũ. Một số xã của huyện Đơn Dương, phía hạ nguồn thủy điện Đa Nhim đang gặp nguy hiểm vì công trình này tăng lượng nước xả lũ lên đến 200m3/giây, gây nguy cơ ngập lụt. Khánh Hòa: 5 người chết và mất tích Khoảng 19g tối 1-11, sau gần nửa ngày ngớt mưa, mưa lớn trở lại khiến các tuyến đường tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) chìm trong biển nước. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh đã có bốn người thiệt mạng, một người mất tích, 48 nhà sập và tốc mái, bảy chiếc thuyền bị chìm chưa trục vớt được... Chiều 1-11, lãnh đạo Công ty đường sắt Phú Khánh cho biết một số đoạn từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát và từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba bị ngập sâu vẫn chưa thể khắc phục. Dự kiến ngành đường sắt sẽ tổ chức trung chuyển bằng ôtô số khách bị kẹt từ ga Cà Ná (Ninh Thuận) về Nha Trang. Tin từ cảnh sát giao thông thị xã Cam Ranh cho biết do nước mưa quá lớn, cầu Ngòi nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) bị yếu khiến công an phải chặn xe không cho lưu thông để khắc phục. Cơ quan chức năng phải tổ chức cho xe đi đường vòng qua tỉnh lộ 72 chạy qua huyện Ninh Hải, rồi quay lại quốc lộ tại phía nam của TP Phan Rang - Tháp Chàm. Phú Yên: hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ 1.000m3/giây Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên thông báo kể từ 19g tối 1-11, hồ thủy điện Sông Hinh tỉnh Phú Yên tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.000m3/giây. Theo Công ty thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, chiều tối cùng ngày, mực nước trong hồ thủy điện này đạt 207m, thấp hơn mức nước thiết kế 2m, việc xả lũ của hồ nhằm chuẩn bị đón lũ. Do thủy điện Sông Hinh xả lũ, dự báo lũ trên các sông Bàn Thạch và sông Ba tăng cao hơn.
|