Đường đến vành móng ngựa của Hà Văn Thắm

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố ông Hà Văn Thắm (SN 1972, quê Bắc Giang, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương – Oceanbank) và 16 đồng phạm về hàng loạt hành vi sai phạm trong quá trình điều hành, quản lý kinh tế gây thất thoát cho Nhà nước, một số ngân hàng và cá nhân lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tới đây, vụ án sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Vi phạm nghiêm trọng về quy định cho vay
Theo tài liệu điều tra, trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân. Thời điểm tháng 3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng. Với chức danh Chủ tịch HĐQT, Hà Văn Thắm đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan để nắm giữ 62,97% cổ phần tại Oceanbank. Từ đây, với vai trò quyết định trong điều hành, chỉ đạo các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính – tiền tệ tại Oceanbank, Thắm chỉ đạo cấp dưới có những quyết sách sai trái dẫn đến nợ xấu thời điểm này là 14.923.135 triệu đồng, chiếm 49.84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Oceanbank. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188.794 triệu đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gấp 2,5 lần)… Trong đó, nổi lên khoản vay 500 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm đã cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ và thương mại Trung Dung (Công ty Trung Dung) của Phạm Công Danh thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Thực chất, khoản vay 500 tỷ đồng cho Công ty Trung Dung vay đã được Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh thống nhất để ghi nhận Phạm Công Danh mua cổ phần của một ngân hàng khác. Tài liệu điều tra xác định, khoản vay này cho vay không đảm bảo, số tài sản đảm bảo cho vay không có thật; không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho khoản vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định. Sai phạm của Hà Văn Thắm thể hiện trong việc đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình quyết định và ký ban hành các văn bản về cấp cho vay tín dụng không tuân thủ các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cấp tín dụng. Thắm chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân, gây thất thoát tài sản của Oceanbank, không có khả năng thu hồi. Tại cơ quan công an, Thắm khai nhận, tổng giá trị của số tài sản để đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung chỉ là hơn 482 triệu đồng.
Cũng theo tài liệu của cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm còn có hành vi lập khống 9 hồ sơ vay hơn 137 tỷ đồng tại Oceanbank. Theo đó, tháng 5/2014, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của dự án Star City Westlanke giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Công ty Viptour – Togi làm chủ đầu tư (Thắm là cổ đông lớn tại công ty này). Sau đó, Thắm tiếp tục chỉ đạo các cấp dưới khác hoàn thiện thủ tục giải ngân. Số tiền nêu trên được chuyển vào tài khoản của Công ty Viptour – Togi, Thắm đã nhận và sử dụng toàn bộ số tiền này để trả nợ các khoản vay cá nhân khác. Hành vi của Hà Văn Thắm và một số đối tượng liên quan là vi phạm pháp luật. Với vai trò Chủ tịch HĐQT không được vay vốn Oceanbank, tuy nhiên, Hà Văn Thắm dùng quyền là Chủ tịch Ủy ban tín dụng và đầu tư tài chính để quyết định cho vay nhằm chiếm đoạt hơn 137 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, xét thấy hành vi của Hà Văn Thắm và đồng bọn có đủ yếu tố kết thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết, hành vi vi phạm của Thắm và các đối tượng liên quan độc lập, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) tiếp tục đánh giá và có thống nhất hướng xử lý hành vi vi phạm này trong giai đoạn tiếp theo.
Lợi dụng quyền hạn, chức vụ làm trái quy định
Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với Oceanbank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. PVN cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc của Oceanbank. Đầu năm 2009, Thắm và Sơn đã bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank. Sơn đề nghị với Thắm là Oceanbank phải chi thêm cho mình ngoài lãi suất tiền gửi quy định theo hợp đồng để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Hà Văn Thắm đồng ý và giao cho Sơn toàn quyền quyết định việc chi phí. Khi bàn bạc về nguồn tiền chi cho Sơn để huy động vốn, cả 2 cùng thống nhất sẽ “thu phí” của những khách hàng vay vốn, mua ngoại tệ thông qua Công ty CP BSC Việt Nam (Công ty SBC). Đây là công ty cổ phần có 5 cổ đông do Hà Văn Thắm nhờ đứng tên, không có góp vốn. Mọi hoạt động của Công ty SBC do Thắm chỉ đạo và quyết định.
Từ chủ trương “thu phí”, Thắm giao cho cấp dưới phụ trách tín dụng triển khai thu chênh lệch lãi bằng hình thức Công ty BSC ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng. Sơn chỉ đạo cấp dưới phụ trách khối nguồn vốn triển khai việc thu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ bán ra. Theo đó, các khối kinh doanh, các chi nhánh phân công cán bộ đàm phán để thống nhất với khách hàng về mức lãi suất cho vay hoặc tỷ giá ngoại tệ bán ra. Sau đó, lập hợp đồng tín dụng với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thỏa thuận. Đối với lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất niêm yết hoặc lãi suất tối thiểu đã được Hội đồng tín dụng phê duyệt. Đối với hợp đồng mua bán ngoại tệ tỷ giá bán ra thấp hơn tỷ giá thỏa thuận. Phần chênh lệch lãi suất và tỷ giá ngoại tệ bán ra được hợp thức để thu bằng hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC. Thực tế, các khách hàng không có nhu cầu và Công ty BSC cũng không cung cấp cho họ dịch vụ gì. Tuy nhiên, khách hàng vẫn phải ký hợp đồng để được vay vốn hoặc mua ngoại tệ và ngân hàng hợp thức được việc “thu phí”.
Theo kết luận điều tra, trên chủ trương “thu phí” khách hàng thông qua Công ty BSC và triển khai tổ chức thực hiện đã dẫn đến thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Tuy không hưởng lợi trực tiếp số tiền nêu trên nhưng Thắm được hưởng lợi từ việc gửi tiền của PVN do Sơn làm đầu mối. Do vậy, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn phải chịu trách nhiệm về số tiền 70 tỷ đồng mà Oceanbank và khách hàng bị thiệt hại. Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo Oceanbank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, vượt trần huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc này gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền đặc biệt lớn là hơn 984 tỷ đồng.
Hành vi của Hà Văn Thắm phạm vào các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo các điều 179, 281 và 165 Bộ Luật hình sự. Bên cạnh việc truy cứu cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, cơ quan điều tra còn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 16 bị can khác đều là lãnh đạo của Oceanbank như: Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, quê Hà Tĩnh, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank), Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977, quê Thái Bình, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank),…Vụ án Hà Văn Thắm là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I/2017.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần