Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị cảnh báo về vấn đề an toàn: Tiêu chuẩn một đằng, tiêu chuẩn đánh giá một nẻo

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về việc đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến từ Pháp (tư vấn ACT) cho rằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu đã và đang gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng không nhỏ trong dư luận.

Vận hành chạy thử đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Thanh Hải
Được cấp chứng nhận vẫn chưa hết lo
Trong báo cáo hoàn thành thi công dự án gửi tới Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Tư vấn ACT cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu. Theo đó, dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện; hệ thống chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống có 8 quy trình thất bại. Qua đánh giá 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro và 10 tình huống xử lý khẩn cấp của hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong vận hành thương mại tuyến đường sắt này. Đồng thời, nhấn mạnh nếu vận hành hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư phải chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng.

Về phía Bộ GTVT - chủ đầu tư tuyến đường sắt trên cho hay, dự án thực hiện phần lớn theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, từ thiết kế, thi công, nghiệm thu tới vận hành khai thác. Trong khi Tư vấn ACT lại đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 - 2011, trong khi một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay. Bộ GTVT cũng khẳng định, các đoàn tàu đã đầy đủ hồ sơ chứng minh chất lượng theo chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt về độ bền, khả năng ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất và nhà thầu cung cấp đoàn tàu cũng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn đoàn tàu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa tiêu chuẩn Trung Quốc và tiêu chuẩn châu Âu đối với dự án đường sắt đô thị nằm ở chỗ, tiêu chuẩn tàu điện đô thị của Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn với Hệ thống tín hiệu, không đánh giá và cấp chứng nhận an toàn cho các hạng mục: Hệ thống điện kéo, phanh điện của đoàn tàu và các hệ thống còn lại của dự án. Trong khi đó, tiêu chuẩn châu Âu lại yêu cầu đánh giá. Trong quá trình đánh giá để tiến tới cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Tư vấn ACT đã yêu cầu Tổng thầu EPC cung cấp tài liệu để đánh giá 6 nội dung gồm: Loại phương tiện, hệ thống báo hiệu điều khiển tàu, hệ thống cung cấp động lực; Đánh giá rủi ro của các biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Đánh giá tương thích điện từ; Đánh giá tích hợp hệ thống; Đánh giá vận hành thử hệ thống; Đánh giá hệ thống quản lý an toàn vận hành. Tuy nhiên, Tổng thầu của dự án không thể cung cấp được đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, do tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng không chi tiết các vấn đề này.

Cần một giải pháp hài hòa

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thi, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông nhận định, nút thắt quan trọng nhất tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính là việc dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng lại được đánh giá an toàn hệ thống theo tiêu chuẩn châu Âu. Sự không đồng nhất về một số hạng mục đánh giá giữa hai bộ tiêu chuẩn này đã và đang trở thành rào cản khiến dự án bị mắc kẹt, chưa thể đưa vào khai thác thương mại.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, một giải pháp trung hòa, nhân nhượng lẫn nhau chính là cách tốt nhất để tháo gỡ vướng mắc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay. Cụ thể, trong những khuyến cáo mà Tư vấn ACT đưa ra, vấn đề gì bất cập quá thì bắt buộc phải khắc phục. Còn những bất cập mang tính chất phòng ngừa rủi ro và không thể khắc phục được thì chúng ta phải chấp nhận.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế khẳng định, Bộ GTVT chính là cơ quan phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với những vướng mắc hiện nay tại dự án đương sắt Cát Linh - Hà Đông. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ thắc mắc, tại sao công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng Bộ GTVT lại lựa chọn một đơn vị tư vấn đến từ châu Âu vào đánh giá an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông? “Vấn đề ở đây chính là tiêu chuẩn xây dựng một đằng nhưng tiêu chuẩn đánh giá lại một nẻo” - chuyên gia Ngô Trí Long nói. Đồng thời cho rằng, Bộ GTVT phải có giải pháp để dự án vừa sớm đưa vào khai thác, vừa đảm bảo sự an toàn ở mức cao nhất cho người dân Thủ đô yên tâm sử dụng.

Những trục trặc giữa tiêu chuẩn Trung Quốc và tiêu chuẩn châu Âu là chuyện đã rồi và không thể sửa được. Bây giờ, nếu tuân thủ hoàn toàn theo tiêu chuẩn châu Âu, chắc chắn dự án sẽ bị dừng lại.

TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn giao thông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần