Đường sắt đô thị Hà Nội: Chờ đột phá từ xã hội hóa

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch GTVT Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030, TP sẽ phải hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với khoản đầu tư lên đến khoảng 40 tỷ USD.

Các chuyên gia đánh giá, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách và các khoản vay ODA mà không huy động được nguồn vốn xã hội hóa (XHH) sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bế tắc dòng vốn đầu tư
Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận: “ĐSĐT là xương sống của mạng lưới vận tải công cộng. Chưa hình thành được ĐSĐT thì tất cả các loại hình vận tải công cộng (VTCC) khác sẽ chỉ là những mảnh ghép rời rạc, thiếu hiệu quả”. Trong khi đó, Hà Nội lại đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trọng, mà một trong những nguyên nhân do mạng lưới VTCC chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Nhu cầu cấp thiết của Thủ đô lúc này là phải hình thành được hệ thống ĐSĐT, đưa vào vận hành, khai thác để định hình và tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các loại hình VTCC.

Ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.      Ảnh: Phạm Hùng

Trên thực tế, Hà Nội mới đang triển khai được 2 tuyến ĐSĐT: số 2A Cát Linh - Hà Đông (do Bộ GTVT đầu tư) và số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. 8 tuyến còn lại vẫn đang gặp nhiều khó khăn. thách thức, nhất là về nguồn vốn đầu tư. Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, khó khăn lớn nhất là Hà Nội thiếu vốn đầu tư cho các dự án ĐSĐT một cách nghiêm trọng. Nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư công đã bị khóa chặt đối với cả Bộ GTVT lẫn các địa phương; vốn vay ODA lại bị chi phối bởi trần nợ công đã đến ngưỡng nên gần như không thể vay thêm nữa. Ông Thành nhận xét: “Trong hoàn cảnh này, chỉ có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa (XHH) mới có hy vọng tiếp tục thực hiện các dự án ĐSĐT đúng theo lịch trình đã định. TP có quyết tâm đột phá khó khăn để xây dựng các công trình ĐSĐT nhưng hiện vẫn vướng về cơ chế và rất cần được Chính phủ tháo gỡ”.
Hãy tận dụng nguồn vốn tư nhân
Đó là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội ngày 29/9 vừa qua. Nhận định Hà Nội vẫn còn rất nhiều tiềm năng, nguồn lực từ tài nguyên đất, còn có điều kiện để thu hút nguồn vốn XHH, Thủ tướng đã yêu cầu TP: “XHH mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư, tạo ra các cơ chế thu hút, huy động vốn tư nhân để phát triển các công trình nói chung, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống ĐSĐT”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Huy động nguồn vốn tư nhân, kể cả đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một giải pháp hữu hiệu cho Hà Nội lúc này”. Dẫn chứng tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ông Thắng chỉ ra, chúng ta đi vay vốn ODA của nước ngoài, bị chi phối bởi các điều khoản ràng buộc nên không thể tự chủ động về tiến độ thực hiện dự án cũng như chi phí phát sinh; nói cách khác, chúng ta bị buộc phải chấp nhận cả sự chậm trễ lẫn việc đội vốn đầu tư. Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc một số DN tư nhân, cả trong và ngoài nước, đề xuất được thực hiện các dự án ĐSĐT tại Hà Nội theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Các chuyên gia cho rằng, nếu có thể xây dựng ĐSĐT theo hình thức này sẽ tránh được rất nhiều những rủi ro, trắc trở như tuyến ĐSĐT số 2A đang gặp phải.
Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra kỳ vọng Hà Nội có thể vận động, thu hút nguồn vốn XHH vào đầu tư cho hạ tầng giao thông mà đặc biệt là ĐSĐT. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu chủ động kêu gọi nguồn vốn xã hội, quản lý tốt việc thực hiện dự án, chúng ta sẽ nắm chắc được và thực hiện hiệu quả hơn nhiều. Đó là lợi người lợi ta, ích nước lợi nhà”.
Phải ưu tiên giải quyết những khó khăn vướng mắc để phát triển ĐSĐT của Hà Nội, mà đã ưu tiên thì phải có những giải pháp đồng hành, thiết thực. Đã đến lúc Chính phủ phải có quyết sách về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần