Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội: Chạy đua với thời gian

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được khởi công từ năm 2010 nhưng gặp quá nhiều khó khăn nên tiến độ dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội liên tục bị chậm. Phải từ năm 2016 tới nay, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sự nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, dự án mới tăng tốc, vượt khó chạy đua với thời gian.

Dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đang được khẩn trương hoàn thành. Ảnh: Công Hùng
Bước ngoặt
Tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội là dự án thí điểm của Hà Nội, được thực hiện trong bối cảnh TP chưa từng có chút kinh nghiệm nào về đầu tư, xây dựng ĐSĐT. Bởi vậy, dự án đã gặp muôn vàn khó khăn, từ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, huy động nguồn vốn... Đại diện cho TP thực hiện dự án, chủ đầu tư - Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã lúng túng trong suốt nhiều năm trước hàng loạt bất cập phát sinh. Phải đến năm 2016, khi TP có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn, dự án mới có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Ngày 13/6, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 2448/UBND - KT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách T.Ư năm 2019 và cho phép tạm ứng vốn ngân sách TP, trong trường hợp chậm cấp phát vốn nước ngoài từ ngân sách T.Ư cho dự án.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Bước ngoặt quan trọng nhất của dự án là chia tách thành hai giai đoạn lớn. Trong đó, giai đoạn 1 là hoàn thiện, đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao trước để giải quyết vấn đề ùn tắc cũng như tận dụng nguồn lực từ chính dự án là quyết sách cực kỳ đúng đắn”. Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định khi cho rằng, việc thi công 4 ga ngầm là rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Nếu đợi toàn tuyến sẽ khiến dự án chậm trễ thêm nhiều năm đồng nghĩa với việc kéo dài thêm sự mong đợi của Nhân dân, có thể gây thêm nhiều hệ lụy cho TP cả về kinh tế lẫn giao thông. Do đó, việc điều chỉnh Dự án theo hướng cuốn chiếu, xong tới đâu, khai thác tới đó là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa.

Thông tin từ Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho hay, hiện đoạn trên cao, ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã hợp long toàn tuyến. Các nhà thầu đang tập trung thi công phần kiến trúc tại các nhà ga và khu vực Depot. Toàn bộ đường ray, đoạn trên cao, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ hoàn thành hàn ghép vào cuối tháng 6 này. Các đoàn tàu (do Pháp sản xuất) cũng đã được đưa ra tham khảo ý kiến người dân và đặt hàng, dự kiến sẽ về nước vào năm 2020. Dự kiến đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ kịp đưa vào khai thác trong năm 2020.

Đạt 51% khối lượng

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND TP, Ban đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu từng bước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Đồng thời đôn đốc quyết liệt các nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực thi công, khắc phục dần các chậm trễ. Đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 51%. Quá trình thi công đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Đối với tuyến đi ngầm hiện nhà thầu đang tập trung thi công tại các khu vực đã được bàn giao mặt bằng gồm: Dốc hạ ngầm, phần hộp ga S9 và nửa phía Bắc ga S10. Đối với các hạng mục còn lại, hiện Ban đang tích cực phối hợp với UBND các quận để thúc đẩy công tác GPMB. Dự kiến sẽ tiến hành quây rào phục vụ thi công ga S12 vào cuối tháng 6/2019. Đối với các gói hệ thống cơ điện, hiện đang thực hiện theo tiến độ tích hợp thi công với các gói thầu xây lắp để đảm bảo thực hiện theo phương án vận hành đoạn trước đoạn trên cao. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, từ năm 2018, do vướng trần kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên dự án chỉ được giao kế hoạch vốn nước ngoài, cấp phát từ ngân sách T.Ư đạt khoảng gần 50% so với nhu cầu. Chủ đầu tư hiện đang nợ thanh toán khối lượng thực hiện năm 2018, cho các nhà thầu khoảng 395 tỷ đồng. Thực tế giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách T.Ư năm 2019 cũng mới đạt 6% so với nhu cầu và cũng đã được giải ngân hết.

Do vậy, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 cho dự án là hết sức cấp thiết. Nếu không được giao bổ sung vốn thì các nhà thầu sẽ tạm dừng thi công và có thể khiếu kiện vì chậm thanh toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và tiến độ đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao vào năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần