[Ảnh] Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội có gì đặc biệt?

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ rất cao.

Đường ray và đoàn tàu sẽ chạy trong lòng những chiếc ''máng'' bê tông, cao 1,8m; được thử va đập nghiêm ngặt. Trong trường hợp không may nếu tàu có trật bánh cũng sẽ chỉ nằm nguyên trong lòng ''máng'', không thể lao ra ngoài.
Những ngày nghỉ lễ vừa qua, công trường đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội vẫn được duy trì việc thi công. Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT đô thị Hà Nội cho biết, để đảm bảo tiến độ và mục tiêu đưa đoạn tuyến trên cao vào khai thác năm 2020, còn rất nhiều việc phải làm.
Các đoàn tàu sẽ lưu thông song song, ngược chiều trên 2 đường ray riêng biệt.
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội luôn xác định, ĐSĐT không chỉ là một công trình phục vụ giao thông mà còn là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc, cũng như công trình đã chức năng phục vụ cộng đồng. Bởi vậy, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu rất cao về công năng, an toàn kỹ thuật và thẩm mỹ.
Giữa 2 đường ray có một bức tường bê tông cao 1,8m, độ dầy tối thiểu 80cm, đảm bảo quá trình chạy tàu hoặc khi có sự cố sẽ không xảy ra va quệt giữa các đoàn tàu.

Các nhà ga có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Nhưng vỏ ngoài mỗi ga sẽ được thiết kế riêng về hình thức để hài hòa với cảnh quan xung quanh. Trên tường nhà ga sẽ có hệ thống cây xanh, được trồng và tưới tự động.

Nhà ga có 2 tầng, tầng đợi tàu dành cho hành khách và tầng trung chuyển với nhiều công năng.

Người dân không đi tàu cũng có thể đi bộ qua khu vực này để sang đường, với hệ thống thang cuốn, thang máy dành cho người khuyết tật đầy đủ.

Bởi vậy, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã đề nghị TP loại bỏ dự án xây dựng 5 cầu vượt đi bộ dọc tuyến do trùng lắp với vị trí nhà ga ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội nên không còn cần thiết nữa.

Khi xảy ra hỏa hoạn, hành khách sẽ được đưa ra các cầu thang này để tiếp cận với lực lượng cứu hộ nhanh nhất.

Mỗi nhà ga có 4 cầu thang thoát hiểm nằm lộ thiên bên sườn.
Hệ thống cáp thông tin tín hiệu được cố định vào khung thép lan can này để tránh mọi va chạm có thể xảy ra khi chạy tàu.
 Công nhân mang vác những ''con kê'', chuẩn bị đặt đường ray.

Mỗi đoạn ray dài 250m, không được phép hạ xuống nền, để tránh va đập, làm sứt sẹo dầm bê tông.

Mặc dù đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng các nhà thầu, tư vấn giám sát và cán bộ Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội vẫn tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự kiến năm 2020, đoạn tuyến trên cao từ Nhổn - Voi Phục sẽ được đưa vào vận hành trước.

Chân trụ được bảo vệ bằng các vách chống va. Giả sử các phương tiện giao thông có đâm vào thi cũng chỉ hư hại vách chống va, còn trụ sẽ an toàn tuyệt đối.

Một số hình ảnh trên công trường ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội:

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần