Cầu thủ này từ Séc về Việt Nam thử việc tại U20 Việt Nam vốn đang chuẩn bị cho VCK U20 thế giới. Sự thất bại của Tuấn Anh cho thấy con đường gập ghềnh mà các cầu thủ Việt kiều đang phải đi trong hành trình tìm về đất Mẹ.
Ảnh minh họa |
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng có thể giúp bóng đá Việt Nam nhanh chóng phát triển là cần thu hút được các cầu thủ Việt kiều trở về khoác áo đội tuyển. Kể từ năm 2004, đã có hàng chục cầu thủ Việt kiều về Việt Nam tìm cơ hội. Đầu tiên phải kể đến Tony Lê Hoàng, cầu thủ được ví là thần đồng bóng đá của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan. Lê Hoàng từng là thủ quân U16, U17 Ba Lan. Tiếp đó, anh em nhà Emile Lê Giang và Patric Lê Giang, 2 cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp tại những trung tâm lừng danh tại Séc cũng về thử việc tại U22... Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 4 cầu thủ đang trụ lại được ở V.League là Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Robert. Những cầu thủ còn lại hoặc bị thanh lý hợp đồng, hoặc không thể vượt qua giai đoạn thử việc. Ngay cả 4 cầu thủ trên cũng chỉ Đặng Văn Lâm là có được vị trí chính thức và tham gia Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại ASIAN Cup. Cầu thủ thi đấu khá thành công trong màu áo U23 Việt Nam là Mạc Hồng Quân cũng nhanh chóng lụi tàn. Dính vào quá nhiều sự cố khi có được danh vọng và tiền bạc, nay vị trí thường xuyên của anh là làm bạn với băng ghế dự bị.
Một chuyên gia thường xuyên giới thiệu các cầu thủ Việt kiều cho VFF cho biết: “Tại nước ngoài, các cầu thủ trẻ thường được đào tạo một cách nghiệp dư. Họ chỉ tập luyện vài buổi một tuần, trong khi các cầu thủ ở Việt Nam được đào tạo chuyên sâu từ khi còn bé. Vì thế, nếu không phải là những cầu thủ có phẩm chất đặc biệt, được các đội bóng nước ngoài ký hợp đồng chuyên nghiệp thì các cầu thủ Việt kiều khó lòng cạnh tranh được với cầu thủ trong nước. Bên cạnh đó, khác biệt về ngôn ngữ, thể lực cũng khiến các cầu thủ Việt kiều khó lòng hòa nhập được với bóng đá trong nước”.Đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Lee Nguyễn được thi đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ Việt kiều còn lại đều thi đấu ở những hạng thấp, hoặc chơi bóng nghiệp dư. Cũng vì điều này mà nhiều chuyên gia cho rằng, dù rất phấn khởi bởi làn sóng trở lại Việt Nam của các cầu thủ Việt kiều, nhưng có lẽ các đội tuyển Việt Nam khó có thể trông chờ vào nguồn lực từ bên ngoại. Muốn phát triển, cần phải thúc đẩy nội lực thông qua đào tạo trẻ, hoặc chọn phương pháp khác chứ khó có thể trông cậy vào các cầu thủ Việt kiều vốn đông nhưng không tinh và có quá nhiều khác biệt về ngôn ngữ, tư duy chơi bóng.