KTĐT - Cùng là phận gái, cùng vướng vào vòng lao lý bởi hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý, chặng đường phía trước của họ thực sự quá dài, sức ép tâm lý dễ dẫn tới bi quan, chán nản. Nhưng, đường về chưa hẳn đã khép lại với họ.
Bao giờ về được với con?
Tuổi 37, Lê Thị Huyền mang bản án 27 năm tù giam về hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma tuý. Khi mới vào trại Xuân Nguyên (Hải Phòng), nghĩ tới bản án, Huyền khóc suốt ngày. Bởi, nếu thụ án xong, ngày trở về Huyền cũng trên 60 tuổi, cao hơn cả tuổi mẹ mình bây giờ.
Trong khi đó, chồng Huyền là Trần Trọng Thu, mang bản án còn nặng nề hơn nhiều: Chung thân. 27 năm của vợ và chung thân của chồng, bao giờ vợ chồng mới có cơ hội tái ngộ? Nghĩ quẩn, rồi Huyền lại khóc, lại chán nản. Nhiều hôm Huyền lặng lẽ bỏ lại phần cơm của mình, nói với các phạm nhân cùng buồng với vẻ bất cần "đời tôi coi như hết, ăn cũng chẳng giải quyết gì"...
Bây giờ thì môi trường của khuôn viên xanh trại Xuân Nguyên đã mang lại cảm giác khác cho người phụ nữ khét tiếng buôn bán sành sỏi một thời này. Nhận được sự chỉ bảo, động viên từ quản giáo, rồi những ngày lao động cắt cỏ tỉa cây, cả việc tham dự văn nghệ ở trại, Huyền đã phần nào tỉnh ngộ.
Khi chúng tôi đến trại Xuân Nguyên, người phụ nữ này không còn giọng bất cần như xưa nữa, thay vào đó là sự phấn chấn, nhất là niềm tin từ đứa con đang bế trong tay. Huyền ăn cơm ngon hơn, cắt cỏ nhanh hơn và mỗi sáng dậy sớm hơn. "Đó là khi không gian trong lành nhất, tôi dậy sớm ngó ra ngoài từ song cửa sổ. Tôi biết đường về còn quá dài nhưng việc mình làm sai thì phải nhận. Bây giờ, không gì khác phải yên tâm tư tưởng để sống, để cải tạo", Huyền tâm sự.
Quê ở Võ Nhai (Thái Nguyên), Huyền bỏ học từ năm lớp 7. Ở nhà cắt lúa, phơi ngô thêm vài năm rồi Huyền bắt đầu chặng đường buôn bán ở Lạng Sơn. Thời gian đầu, việc nhận, chuyển hàng từ Trung Quốc là vải vóc, thực phẩm đem lại chút ít lợi nhuận nhưng cũng vèo hết. Lấy chồng, sinh 2 mặt con, dần dần vợ chồng Huyền biết đến những góc cạnh của "hàng trắng".
Tại Lạng Sơn, vợ chồng Huyền được gạ vận chuyển thuê với giá 2 triệu đồng/lượt và nếu trót lọt sẽ được thưởng thêm. Vợ chồng Huyền như 2 con thiêu thân bởi lợi nhuận mỗi tháng thu được cao gấp hàng chục lần buôn bán vải vóc như trước. Dần dà, Huyền và chồng trở nên liều lĩnh hơn.
Khi mang thai đứa con thứ 3 thì Huyền bị bắt với những chứng cứ không thể chối cãi, tòa tuyên phạt 27 năm tù giam, còn chồng Huyền lĩnh án chung thân. Bố mẹ đi tù, bỏ lại 2 đứa con cho ông bà nội, còn đứa thứ 3 thì sinh ra trong trại. Huyền tâm sự: "Con gái lớn năm nay hết lớp 9. Tuổi dậy thì nhiều thay đổi mà bố mẹ lại ở xa, không biết ai chăm nom, chỉ bảo cho nó".
Huyền về trại Xuân Nguyên thụ án, mỗi tháng nhận được thư chồng một lần. Trong lá thư gần nhất, Trần Trọng Thu viết cho vợ: "Bây giờ chúng ta khoan hãy nghĩ đến ngày nào được về, được ra trại. Phía trước còn dài lắm. Chỉ mong em và con giữ được sức khoẻ, bình tâm cải tạo ở đó (trại Xuân Nguyên - PV) thì anh cũng yên tâm hơn".
Huyền kể, tên con Trần Thế Thanh là do bố cháu đặt và hy vọng đến ngày cháu lớn, tự lo liệu cuộc sống thì bố mẹ được trở về. Hè vừa rồi, con gái lớn tranh thủ thời gian nghỉ đến thăm mẹ khoe rằng, hai ngày trước đó tất tả đi thăm bố, biết bố vẫn khoẻ nên hôm sau theo xe khách xuống Hải Phòng mong được gặp mẹ. Một chút hồn nhiên con trẻ, cháu hỏi "Con tưởng bố và mẹ trong tù cũng được ở gần nhau?"... Kể đến đây thì Huyền bật khóc. Khóc như chính mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi vậy!
Gian nan đường về
Không mang bản án đằng đẵng như phạm nhân Lê Thị Huyền nhưng phạm nhân Đào Thị Thuý cũng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. 34 tuổi, lĩnh án 9 năm tù về tội buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma tuý, Thuý đã thụ án được hơn 3 năm. Chưa đầy 15 tuổi, khi đang học dở lớp 7, Thuý đã bỏ học rồi lấy chồng - một cuộc hôn nhân không được pháp luật công nhận ở cái tuổi trẻ con đó.
Đám cưới "chữa cháy" được ít tháng thì Thuý sinh con, làm mẹ khi các bạn đồng niên bước vào chương trình lớp 8. Bởi vậy, năm nay khi mẹ mới 34 tuổi thì con đầu của Thúy đã học xong lớp 12.
Nhưng cuộc hôn nhân không hôn thú của Thuý khiến các bạn đồng niên bất ngờ thì chuỗi ngày bi kịch của Thuý còn khiến nhiều người choáng váng hơn. Lần lượt những người thân trong gia đình Thúy rơi vào vòng lao lý, nếu không cũng trở thành nô lệ cho chất ma tuý.
Trong câu chuyện, Thuý cho biết bố của đứa bé Thuý đang bế trên tay là con của người chồng thứ hai. "Thế người chồng đầu tiên?" - Chúng tôi hỏi. Thuý đáp: "Hai người có với nhau 2 mặt con thì chia tay". Đó là vào đầu năm 2004, khi đó Thuý đang mang thai đứa thứ 3 nên bản án 9 năm tù được tạm hoãn. Trong thời gian tạm hoãn, Thuý tranh thủ đến ở với chồng thứ hai, cũng là một người chồng không hôn thú, không đám cưới
Năm 2007, Thuý bắt buộc phải thụ án tại trại Xuân Nguyên và tại đây, Thuý sống cùng đứa thứ 4 - là con của chồng thứ hai. Hôn nhân không giá thú nên tên con được đặt chính họ mẹ: Đào Văn Tuyền.
Cuộc đời người phụ nữ lắm "duyên - nợ" này éo le hơn rất nhiều so với tưởng tượng của nhiều người. Năm 2004, sau thời gian dài làm nô lệ của ma tuý, bố đẻ của Thuý chết vì suy kiệt. Hỏi về người cha, Thuý chỉ nói vỏn vẹn: "Khi tôi còn nhỏ, bố đã nghiện. Mà nghiện là hết".
Còn mẹ? Người phụ nữ hai lần đò ngán ngẩm: "Mẹ cũng ở đây". Giật mình khi nghe từ "ở đây", chúng tôi hỏi lại lần nữa. Thuý thở dài: "Mẹ tôi làm ở đội 24, còn tôi là đội 1. Mẹ đi tù lần hai. Lần một đi tù về tội ma tuý, đặc xá năm 2004. Lần hai vì đánh bạc, nợ nần, cũng vào đây năm ngoái"...
Giọng trầm trầm, đùng đục, Thuý tiếp tục kể về những người thân của mình: "Anh trai cũng nghiện và chết rồi. Anh trai chết năm 2001. Em thứ ba mất vì trọng bệnh. Cũng vì ma túy. Em út cũng ở trại, hình như trại ở Ninh Bình. Nó nghiện rồi buôn ma tuý từ hồi mẹ bị bắt...". Dừng lại một chút, giọng Thúy thăm thẳm buồn, mênh mông tiếc nuối: "ở nhà chẳng còn ai, bây giờ vườn bỏ không...".
Trở lại phòng làm việc của Thượng tá Đào Huy Lộc, Giám thị trại Xuân Nguyên, chúng tôi bị ám ảnh với những lời tâm sự vừa rồi. Kể lại những gì vừa nắm được, Thượng tá Lộc bộc bạch: Số phạm nhân mang án ma tuý ở trại khá lớn. Phần lớn họ chưa được xét đặc xá do chưa đủ điều kiện. Thông thường, một hoặc nhiều năm có một lần đặc xá, còn việc giảm án, các trại tiến hành định kỳ theo quyết định của tòa án. Theo đó, các phạm nhân chấp hành án ở trại có nhiều cơ hội hơn để được hưởng khoan hồng của Nhà nước.
Trên thực tế, chấp hành án, cải tạo lao động là việc làm thường xuyên chứ không phải đợi khi sắp có quyết định đặc xá mới "tăng tốc" cải tạo. Việc tích cực cải tạo sẽ giúp phạm nhân có quá trình phấn đấu tốt, có cơ hội để nếu không được đặc xá lần này thì hy vọng các lần sau.
Với phạm nhân mới vào trại, bản án còn quá dài, chưa có bất kỳ hy vọng nào để xét đặc xá trong vài năm tới nhưng hành trình phục thiện cũng bắt đầu ngay từ bây giờ. Sự rầu nản, thiếu tu dưỡng chỉ có "tác dụng" kéo dài thời gian thụ án, chậm ngày tái hòa nhập cộng đồng...
Với hoàn cảnh như phạm nhân Đào Thị Thuý, phải có sự tác động đắc lực của môi trường cải tạo ở trại thì người phụ nữ kiếp trầm luân này mới có thể gượng dậy và bước đi... Con đường phía trước thực sự đầy khó khăn nhưng chưa phải đã khép lại khi đứa con đầu của Thuý cũng đã kịp tuổi trưởng thành...