Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duyệt Đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội"

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Quyết định số 2426/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội".

Theo Quyết định, đề án dự báo những rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của TP Hà Nội như: Vỡ đê sông Hồng; ô nhiễm nguồn nước; cháy, nổ, đổ sụp công trình; tai nạn giao thông; rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; rủi ro dịch bệnh; rủi ro trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; rủi ro do mất điện diện rộng; rủi ro do rò rỉ phóng xạ; rủi ro khi có các hoạt động khủng bố, phá hoại.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Đồng thời đưa ra nhiệm vụ kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống rủi ro;…
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội phân công sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án, trình UBND TP phê duyệt phương án, kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2018.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND TP các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa. Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa vỡ đê sông Hồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa ô nhiễm nguồn nước. Sở Xây dựng xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa đổ sụp công trình xây dựng, nhà ở. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa cháy công trình ngầm, cháy khu dân cư, cháy nổ phương tiện vận tải, chất dễ cháy, cháy nổ chung cư...

Sở Giao thông Vận tải xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa tai nạn giao thông hoặc sập các công trình giao thông trên cao, giao thông ngầm,...Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống các thảm họa khủng bố, phá hoại và thảm họa giao thông hàng không.

Công an TP Hà Nội xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa tại các sự kiện tập trung đông người. Sở Y tế xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa do dịch bệnh lây lan diện rộng trên địa bàn.

Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Sở Công thương xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa do mất điện diện rộng.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu việc nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng, chống rủi ro trở thành thảm họa cụ thể cần được áp dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại để đánh giá mức độ rủi ro; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố rủi ro bằng các công nghệ tiên tiến, đáp ứng được các yêu cầu phức tạp của từng loại hình rủi ro (đảm bảo sự hài hòa giữa các kịch bản của TP và Trung ương nếu có). Mỗi kịch bản cũng sẽ dự kiến nguồn tài chính cần đầu tư ban đầu và hàng năm trong công tác phòng chống rủi ro thành thảm họa, trình HĐND phê duyệt theo quy định.