Một khẩu hiệu mà chỉ cách đây 3-5 năm có mơ người ta cũng không dám nghĩ đến. Ế ẩm văn phòng cho thuê đang là một thực tế buồn diễn ra tại các trung tâm thương mại, toà cao ốc cho thuê ngay cả những vị trí trung tâm đắc địa nhất tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Trung tâm Công ty TNHH CB Richard Ellis VN (CBRE) trong quý 2/2014, mảng văn phòng cho thuê tiếp tục giảm mạnh về giá, về tỷ lệ lấp đầy và tỷ lệ diện tích trống. Câu chuyện về ế ẩm văn phòng, ki ốt cho thuê tại không ít những địa chỉ đó trước đây là chợ truyền thống nổi tiếng lại càng khiến nhiều người xót xa hơn. Chợ truyền thống biến mất thay vào đó là sự xuất hiện của những chợ cóc, chợ tạm để đáp ứng nhu cầu người dân đó đang là thực tế đáng buồn và báo động.
Trung tâm Thương mại Hàng Da.
|
Trong một cuộc tọa đàm về chợ dân sinh trong đô thị do Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn tổ chức cách đây ít lâu, kiến trúc sư (KTS) Stephanie Geertman, chuyên gia tư vấn Chương trình thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge, đã cho rằng: “Không ít thành phố ở các nước phát triển đang tốn tiền của để khôi phục chợ dân sinh nên sẽ là sai lầm nếu Việt Nam để các ngôi chợ truyền thống dần biến mất”.
Nhiều chuyên gia từng nghiên cứu về chợ ở Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng chợ luôn là một phần không thể tách rời đời sống xã hội, phản ánh trung thực đời sống kinh tế ở nơi đã sinh ra nó, và đương nhiên, là yếu tố cấu thành đời sống văn hóa vùng miền.
Tại cuộc hội thảo này nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại các tập đoàn lớn sẽ gây áp lực với sự xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm lĩnh các vị trí quan trọng của các siêu thị, chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại với những thương hiệu lớn… chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ thuộc về người dân, từ những người dân nghèo nhất, những ngôi chợ gắn liền với lịch sử, văn hóa sẽ biến mất hoặc bị thu hẹp. Việc duy trì mạng lưới chợ dân sinh vừa mang giá trị rất lớn về kinh tế và cả văn hoá xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng một thành phố có điều kiện sống tốt phải có đường dành cho người đi bộ (phố, vỉa hè, ngõ) không bị chiếm giữ do đỗ xe, các cửa hàng kinh doanh, biển quảng cáo hay các công trình công cộng. Những khu vực được thiết kế cho nhiều mục đích như đường giao lộ, quảng trường, chợ búa, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nhỏ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, điểm đỗ xe buýt, sân chơi, trường học và công viên.
Đường phố với những hàng cây hay thảm cỏ và có các khu không gian giải trí cho mọi lứa tuổi. Các di tích kiến trúc lịch sử phải được bảo vệ, khu vui chơi công cộng với chất lượng cao. Ngoài ra, các khu phố, khu dân cư với vỉa hè có sự đa dạng các cửa hiệu buôn bán gắn với chợ dân sinh, chợ truyền thống mua và bán hàng ngày những sản phẩm của địa phương.
Còn nhớ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Bộ Công thương cũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trong đó nêu rõ: “Chợ dân sinh ở thành thị: hạn chế xây mới; cải tạo các chợ nhỏ không đủ tiêu chuẩn sang các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi; nâng cấp thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các khu vực dân cư”.
Khắc phục những nhược điểm của chợ truyền thống, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tạo không gian những chợ chật hẹp, bẩn thỉu không phù hợp với thành phố hiện đại. Hạn chế chuyển đổi, nâng cấp có chọn lọc những chợ bằng siêu thị, văn phòng cho thuê, để đóng góp cho mỹ quan của đô thị. Còn lại vẫn phải giữ lại chợ truyền thống và làm thế nào để chợ truyền thống sau khi cải tạo, xây dựng lại không bị biến dạng hoàn toàn mà mất đi ý nghĩa vốn có, vẫn có giá trị sử dụng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân đó đang là vấn đề đặt ra với các nhà quản lý