Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU bãi bỏ các biện pháp hạn chế hợp tác với Guinea-Bissau

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/7, Hội đồng châu Âu tuyên bố bãi bỏ các biện pháp hạn chế hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) với Guinea Bissau do kết quả bầu cử vừa qua tại nước này được đánh giá là đáng tin cậy.

Động thái trên được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp tái ổn định đất nước Tây Phi nhỏ bé vốn luôn phải đối mặt với vấn nạn ma túy và đảo chính quân sự.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton và Ủy viên EU về phát triển Andris Piebalgs đã bày tỏ hoan nghênh quyết định trên.

Việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế hợp tác cho phép EU hỗ trợ chính quyền mới được bầu lên tại Guinea Bissau, giúp quốc gia này xây dựng và ổn định lại nhà nước.

EU hy vọng sẽ giúp chính quyền mới nhanh chóng đảm bảo các chức năng cần thiết để cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

EU kêu gọi các nhà chức trách của Guinea Bisau nỗ lực hết mình để đảm bảo sự tôn trọng và ưu tiên thực hiện các cam kết đã ký với EU.

Các cam kết trên được thực hiện trong khuôn khổ các cuộc tham vấn giữa Guinea-Bissau với EU hồi năm 2011 trên các lĩnh vực an ninh, đổi mới hệ thống phân cấp quân sự và chống lại quyền bất khả xâm phạm.

Vào tháng 7/2011, EU áp dụng các biện pháp hạn chế hợp tác với Guinea-Bissau sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 4/2010.

Vụ binh biến do Tướng Antonio Injai cầm đầu ngày 1/4/2010 đã lật đổ Tổng tư lệnh quân đội Guinea-Bissau, đồng thời bắt giam Thủ tướng Carlos Gomes Junior trong một thời gian ngắn và bổ nhiệm những kẻ chủ mưu cuộc binh biến vào các vị trí cấp cao trong hệ thống quân sự.

EU coi đây là sự vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Cotonou ký kết giữa EU và châu Phi hồi tháng 6/2000 tại Benin. Căn cứ vào Điều 96 của thỏa thuận, EU đã đình chỉ một phần hợp tác phát triển với Guinea-Bissau và toàn bộ cam kết của hai bên với nỗ lực nối lại hợp tác đều bị dừng lại.