Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU đang bỏ rơi Anh?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với những diễn biến tại kỳ họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) mấy ngày qua, giới truyền thông phương Tây đang rộ lên thông tin, đằng sau việc Thủ tướng Anh David Cameron phủ quyết việc sửa đổi Hiệp ước EU, là một sự thật trần trụi khác rằng, Anh đang bị cô lập trong lòng EU.

Anh một mình ngược sóng

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua tại Bỉ, 17 nước trong khu vực đồng Eeuro và 9 nước EU còn lại trừ Anh, đã thỏa thuận sẽ ký kết một Liên minh tài chính với nhiều quy tắc mới để cải thiện sự hợp tác và giảm thiểu nợ công, trong đó có 3 nước bảo lưu quyết định này cho tới khi có sự đồng tình của quốc hội nước họ.

 Dư luận cho rằng Anh đã bị cô lập hoàn toàn. Gunther Krichbaum, Chủ tịch Ủy ban châu Âu của Quốc hội Đức, ngay sau khi được Chính phủ thông báo về kết quả Hội nghị thượng đỉnh đã phát biểu: "Nước Anh phải suy nghĩ xem họ còn muốn thuộc về EU nữa hay không". Thủ tướng Italia Mario Monti đe dọa: "Điều này sẽ có hậu quả đối với ảnh hưởng của Cameron" trong khi Thủ tướng Áo Werner Fayman chỉ đánh giá hành động của ông Cameron với lời bình phẩm ngắn gọn là "ích kỷ".

Thậm chí ngay tại quốc đảo Anh cũng có những tiếng nói phê phán. Nhà chính trị học Timothy Garton Ash bình luận trên báo Guardian: "Đây là một quyết định cho chính sách đối nội của Anh, nhằm phục vụ cho những người hoài nghi với đồng euro". Tuy nhiên, đa số công luận tại Anh lại phần lớn nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Trong con mắt của nhiều người, Cameron trở về từ Bỉ với tư cách là "Một người can đảm và táo bạo bảo vệ lợi ích của Anh".

Một EU không có Anh

Đối với Thủ tướng Anh, thị trường tài chính London không bao giờ có thể thương lượng được. Địa điểm tài chính này tạo ra 11% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm và đóng góp vào ngân sách khoảng 60 tỷ Euro. Tại đó có 1,3 triệu người làm việc và họ cần được tiếp tục làm việc như hiện nay. Nhưng chính Thủ tướng Đức Merkel lại không muốn điều này. Chính sách của bà Merkel từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính là "Không một nước nào, không một thị trường tài chính nào và không một sản phẩm tài chính nào không được giám sát nữa". Việc nước Đức giờ đây đứng đầu châu Âu về xuất khẩu, trong khi nước Anh trở thành "phi công nghiệp hóa", là kết quả của chính sách khi đó.

Thủ tướng Đức Merkel muốn đưa nghị quyết Brussel vào văn bản hiệp định có tính ràng buộc với tất cả 27 nước thành viên EU. Ngược lại, Sarkozy có xu hướng ngả về một thỏa thuận mới giữa các Chính phủ EU, tức là một "giải pháp liên Chính phủ", mà đa số các nước thành viên EU mong muốn. Sự hình dung của Đức có tiềm ẩn một nguy cơ rủi ro về việc phải trưng cầu dân ý ở một số nước EU, mà điều này họ đã từng có kinh nghiệm không hay. Ngược lại, kế hoạch của Sarkozy lao vào ranh giới của sự hợp pháp hay không: Ký những hiệp ước mới có nghĩa là bẻ cong những hiệp ước cũ - điều này làm không chỉ các luật gia của EU phải đau đầu.

Trước Hội nghị thượng đỉnh 2 ngày, Thủ tướng Merkel đã tuyên bố sẽ "không thỏa hiệp nữa". Song đây chỉ là một biện pháp tung hỏa mù. Trong buổi thương lượng ở Bỉ, bà đã ngả sang lập trường của ông Sarkozy. Và như vậy, cái bẫy đã sập xuống đối với Thủ tướng Anh Cameron: Lần lượt từng nước không phải trong khu vực đồng Euro đã ngả sang phía của "Merkozy", cho tới khi người Anh chỉ còn lại ba đồng minh là Thụy Điển, Séc và Hunggari. Tuy nhiên, cả ba đồng minh này cũng đã đào ngũ để đi đến thỏa thuận ký kết một Liên minh tài chính mới. Những động thái này đang dậy lên những tin đồn về một khả năng thành lập lại EU mà không có Anh. Phải chăng đây là khởi đầu của sự kết thúc của Anh trong EU?