Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU giữa cũ và mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị cấp cao vừa qua, EU đã lại một lần nữa bộc lộ tình trạng rạn nứt nội bộ chỉ vì chuyện phân chia quyền lực trong tổ chức.

EU đã quyết định tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Nga, đã đề cử cựu Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban EU cho nhiệm kỳ tới và thông qua 5 định hướng chính sách ưu tiên hàng đầu cho chính vị Chủ tịch Ủy ban EU mới. Qua đó có thể thấy, EU vừa vẫn như xưa nay lại vừa có chút mới.

Toàn bộ quá trình đề cử ông Juncker trên thực tế là một thảm họa chính trị đối với EU. Nó bộc lộ sự thay đổi tương quan quyền lực giữa EU và Nghị viện châu Âu theo hướng ngày càng có lợi hơn cho Nghị viện châu Âu. Nó làm vị tân Chủ tịch của Ủy ban EU bị yếu thế ngay từ khi chưa chính thức được Nghị viện châu Âu bầu và nhậm chức. Sự chống đối của Anh và Hungari tuy không cản được việc đề cử ông Juncker nhưng đã làm cho nội bộ EU thêm phức tạp và phân hóa. Cả cách thức dàn xếp và bố trí nhân sự này của EU lẫn cá nhân ông Juncker đều không là những báo hiệu về sự khởi đầu mới đối với EU.

Trong khi đó, EU lại rất cần đến sự khởi đầu mới ấy. Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới rồi cho thấy người dân ngày càng mất lòng tin vào nền dân chủ trong EU, Nghị viện châu Âu được tăng quyền và thế so với EU và EU phải trả giá đắt cho việc bộ máy hành chính của EU cứ xa thêm chứ không nhích gần lại người dân.

Cái mới duy nhất và rất đáng kể ở hội nghị cấp cao này là việc thông qua những định hướng ưu tiên chính sách lớn cho Ủy ban EU và vị tân Chủ tịch của nó trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Chúng giống như những nội dung của một "chương trình hoạt động" cho Ủy ban EU. Nó đề cao vai trò của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên và hạ thấp vai trò của Chủ tịch Ủy ban EU. Nhưng cả tiền lệ này cũng chưa đủ để giúp EU tạo nên sự khởi đầu mới thực sự.