Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU hỗ trợ 7,2 tỷ euro cho nước nghèo chống biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 2 ngày làm việc tại Brussels, Bỉ, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc ngày 11/12, đạt một số thỏa thuận quan trọng bao gồm cả thỏa thuận hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.

KTĐT - Sau 2 ngày làm việc tại Brussels, Bỉ, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc ngày 11/12, đạt một số thỏa thuận quan trọng bao gồm cả thỏa thuận hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Fredrick Reinfeldt cho biết lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhất trí hỗ trợ các nước nghèo 7,2 tỷ euro trong vòng 3 năm tới để đối phó với biến đổi khí hậu.

Anh và Pháp đóng góp nhiều nhất lần lượt 1,32 tỷ euro và 1,26 tỷ euro. Số tiền hỗ trợ đạt được cao hơn mức 6 tỷ euro mà EU dự kiến ban đầu, trong khi Anh cam kết sẽ tăng mức hỗ trợ của nước này nếu các nước khác cũng hành động tương tự tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi đang diễn ra ở Copenhagen, Đan Mạch.

Tuy nhiên, nhóm môi trường Hòa bình Xanh chỉ trích cam kết của EU chưa thỏa đáng, cho rằng mục tiêu ngắn hạn là cần thiết, nhưng một vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu không thể giải quyết chỉ trong 3 năm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ hy vọng các nước khác đang tham dự hội nghị Copenhagen sẽ đưa ra những cam kết tương tự EU về hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi hội nghị Copenhagen đề ra mục tiêu giảm nạn phá rừng tới 25% vào năm 2015 như một biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Liên quan Chiến lược EU 2020 về phục hồi và phát triển kinh tế, lãnh đạo tổ chức này cho rằng EU cần duy trì các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đảm bảo triển vọng phát triển bền vững trong nhóm.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã thông qua kế hoạch thành lập hệ thống các cơ quan kiểm soát xuyên quốc gia trong EU, trong đó có cơ chế ngăn ngừa các nguy cơ có hệ thống, cũng như kiểm soát hoạt động của ngân hàng và các công ty bảo hiểm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước EU kêu gọi Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu thống nhất lập trường về kiểm soát việc trả lương cho giám đốc các ngân hàng và thể chế tài chính, đồng thời nghiên cứu cơ chế đánh thuế cao đối với các khoản tiền thưởng trong khu vực ngân hàng.