Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU kêu gọi Bồ Đào Nha tiếp tục cắt giảm chi tiêu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - EU cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là "tối cần thiết."

KTĐT - EU cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là "tối cần thiết."

Dù đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro, song Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, trong ngày khai mạc 24/3 lại dành phần lớn thời gian thảo luận tình hình Bồ Đào Nha sau khi Thủ tướng nước này Jose Socrates từ chức.

Hầu hết các ý kiến cho rằng Bồ Đào Nha nên tiếp tục kế hoạch "thắt lưng buộc bụng," ngay cả khi đã xin cứu trợ vỡ nợ.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc Lisbon bám vào các mục tiêu trong chương trình này để kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước là "rất quan trọng."

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là "tối cần thiết."

Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro Jean-Claude Junker dự báo nếu Bồ Đào Nha đề nghị EU bảo lãnh vỡ nợ công thì phần cứu trợ dành cho nước này sẽ đến 75 tỷ euro và phải được thực hiện "với các điều kiện nghiêm ngặt."

Một số lãnh đạo EU cảnh báo trong trường hợp xin cứu trợ vỡ nợ, Bồ Đào Nha vẫn phải tiến hành những biện pháp cắt giảm chi tiêu mà ông Socrates đã đề xuất, đồng thời đề nghị EU không đề cập vấn đề cứu trợ Bồ Đào Nha cho đến khi nước này có thủ tướng mới.

Trước thềm hội nghị, khoảng 20.000 người đã biểu tình ở thủ đô Brussels và một số thành phố lớn của Bỉ phản đối các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng." Cảnh sát buộc phải dùng vòi rồng và các thiết bị chuyên nghiệp giải tán một đám đông quá khích khi họ ném chai, lọ vào lực lượng đảm bảo an ninh cho hội nghị. Giao thông tại những nơi xảy ra biểu tình bị tắc nghẽn vài giờ.

Cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ 2 điểm mức xếp hạng của Bồ Đào Nha từ A+ xuống A-, sau khi Quốc hội nước này bác bỏ kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ dẫn đến việc Thủ tướng Socrates từ chức.

Theo Fitch, khoảng trống quyền lực trong Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ làm gia tăng mức độ rủi ro trên thị trường tài chính nước này, trong khi quyết định của quốc hội làm giảm lòng tin của thị trường đối với chương trình cải cách cơ cấu và tài chính của Bồ Đào Nha.

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha đã vượt "ngưỡng" chịu đựng của nước này thì việc Fitch hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha sẽ khiến Lisbon gặp nhiều khó khăn hơn trong giải quyết vấn đề nợ công.

Trong khi đó, Chính phủ lâm thời Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ làm hết sức mình nhằm tránh nguy cơ phải xin bảo lãnh vỡ nợ. Theo người phát ngôn chính phủ Pedro Xinva Pereira, bất kỳ đề xuất cứu trợ nào lúc này đều đi ngược lợi ích quốc gia của Bồ Đào Nha và biện pháp cầu viện sự giúp đỡ từ bên ngoài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Bồ Đào Nha./.