Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU khởi động chương trình hợp tác mới tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu quyết định khởi động chương trình hợp tác phát triển mới tại Việt Nam trị giá 400 triệu Euro và ký thỏa thuận chương trình hỗ trợ ngành Y tế trị giá 114 triệu Euro

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động chương trình "Viện trợ đa niên" (MIP) cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020, nhằm giải quyết những thách thức phát triển mới mà Việt Nam đang phải đối mặt. Việc khởi động chương trình này là kết quả của tuyên bố chính thức giữa Liên minh châu Âu và Chính phủ Việt Nam vào ngày 13/10 vừa qua, nhân chuyến thăm tới EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đại diện EU nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam thông qua việc tăng tổng giá trị gói hỗ trợ thêm 30% so với giai đoạn 7 năm trước. Trị giá gói hỗ trợ 400 triệu Euro cho giai đoạn 2014 - 2020 sẽ chủ yếu hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, thông qua việc phát triển ngành năng lượng và nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền.
EU khởi động chương trình hợp tác mới tại Việt Nam - Ảnh 1
Bên cạnh việc khởi động chương trình MIP giai đoạn mới, một chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ ngành y tế cũng được chính thức tuyên bố bởi Cục trưởng Cục châu Á, Trung Á/vùng Vịnh và Thái Bình Dương – thuộc Tổng cục Phát triển và Hợp tác -  Pierre Amilhat, và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Chương trình do EU hỗ trợ này (EU-HSPSP-2) sẽ giúp các cải cách y tế ở Việt Nam và hiện thực hóa các kế hoạch và dự án trong giai đoạn 2015-2017 với tổng ngân sách lên tới 114 triệu Euro.

Phát biểu tại Tổng cục Phát triển và Hợp tác EuropeAid (Bỉ), ông Pierre Amilhat đã nói, "Việt Nam đã có những bước tiến xa trên con đường xóa đói nghèo và nâng cao mức sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Tôi rất vui mừng thông báo rằng, EU đã quyết định tiếp tục, thậm chí còn hỗ trợ  mạnh mẽ hơn những cố gắng của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Trong khi chương trình MIP trước đây tập trung vào các lĩnh vực y tế, viện trợ thương mại, nền pháp quyền và du lịch có trách nhiệm, chương trình MIP mới sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng bền vững, nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền. Theo đó, một loạt các dự án trong các lĩnh vực kể trên sẽ được thiết kế và triển khai trong những năm tới. Trong lĩnh vực năng lượng, sự hỗ trợ của EU sẽ góp phần tạo nên một ngành công nghiệp năng lượng bền vững hơn, thông qua việc xúc tiến sử dụng các nguồn năng lượng thay thế sạch và hiệu quả. Đặc biệt, chương trình hướng tới khu vực dân cư chưa được tiếp cận nguồn điện chiếm 3% tổng dân số và cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ mang điện đến với 64,577 hộ gia đình. Thêm vào đó, tới năm 2020, 568,000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn sẽ được sử dụng điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế.

Bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị công và pháp quyền, EU sẽ giúp tăng cường tính dân chủ, củng cố hệ thống tư pháp và pháp luật, từ đó góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, mục tiêu này sẽ được thực hiện qua việc tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống luật pháp (đặc biệt đối với phụ nữ, người nghèo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương), tăng tính trách nhiệm, độ minh bạch, hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ công, đồng thời đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào công tác quản trị công.

Viện trợ phát triển cho Việt Nam là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của EU. Một cách tổng quát, EU đang là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được đàm phán sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên.