KTĐT - Cuộc họp Thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu kết thúc hôm 29/10 sau 2 ngày họp với một thoả thuận về việc sửa đổi “một cách hạn chế” Hiệp ước Lisbon và kêu gọi thế giới tránh một cuộc chiến tiền tệ
Có thể nói, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng châu Âu hôm 29/10, tất cả các nước tham dự đều không phải ra về “tay trắng”, trong đó Pháp và Đức là hai quốc gia hài lòng nhất. Những đề xuất của Pháp và Đức về việc thành lập một quỹ thường trực nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính và thắt chặt kỷ luật ngân sách đã được Hội đồng châu Âu thông qua.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý về nguyên tắc rằng cần có một cơ chế thường trực quản lý khủng hoảng và để có cơ chế thường trực này, cần phải sửa đổi Hiệp ước Lisbon một cách hạn chế, một sự điều chỉnh ở quy mô nhỏ.”
Tuy nhiên, để tránh tình trạng Hiệp ước Lisbon sửa đổi bị phong toả bởi các cuộc bỏ phiếu ở các quốc gia thành viên, ông Herman van Rompuy đã được giao nhiệm vụ bắt đầu các cuộc tham vấn với các nước thành viên EU nhằm xác định thể thức điều chỉnh Hiệp ước Lisbon và trình kết quả lên hội nghị của Hội đồng châu Âu diễn ra vào tháng 12/2010.
Có khả năng, các nước châu Âu sẽ đề nghị áp dụng điều 48-6 của Hiệp ước Lisbon, cho phép đẩy nhanh quá trình sửa đổi Hiệp ước này. Nhờ đó, Hiệp ước Lisbon sửa đổi sẽ được thông qua trong thời gian từ nay cho tới giữa năm 2013, khi mà Quỹ hỗ trợ tài chính được thiết lập để hỗ trợ Hy Lạp hết thời hạn tồn tại.
Cũng tại Hội nghị lần này, một số nước châu Âu đã bảo vệ được quan điểm của mình khi Hội đồng châu Âu đã không chấp nhận đề xuất của Pháp - Đức trừng phạt nghiêm khắc các nước không tôn trọng quy tắc về ngân sách bằng cách tạm ngưng quyền bỏ phiếu của các quốc gia này.
Cuối cùng, trong bối cảnh Hội nghị nhóm G20 đang tới gần, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng thúc giục các nước lớn trên thế giới tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ xảy ra và tránh áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bởi vì điều này tuy mang lại lợi thế cạnh tranh trước mắt cho một số nước, nhưng lại gây ra những hậu quả kinh tế lâu dài./.