Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 17/5 tại thủ đô Sofia (Bulgaria) sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh EU-Balkan, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết từ ngày 18/5, EU sẽ kích hoạt lại “điều luật phong toả” nhằm bảo vệ các công ty châu Âu chịu ảnh hưởng khi hợp tác làm ăn với Iran sau khi Mỹ thông báo tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. "EU có trách nhiệm phải bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu", Chủ tịch Juncker nhấn mạnh.
"Điều luật phong toả" lần đầu tiên được EU đưa ra năm 1996 nhằm vô hiệu hoá các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty có quan hệ đầu tư và thương mại với Cuba.
Theo điều luật này, các công ty và tòa án của EU có quyền không phải tuân thủ các quy định liên quan đến lệnh trừng phạt của bất cứ nước thứ ba nào và sẽ không có bất cứ phán quyết nào của các toà án nước ngoài về các quy định này được áp dụng tại châu Âu.
Trong bối cảnh gia tăng bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về Thỏa thuận hạt nhân Iran, việc kích hoạt lại điều khoản này sẽ cho phép EU phong toả việc áp dụng luật ngoài lãnh thổ của Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và tất cả các công ty của các nước có quan hệ kinh doanh với Iran.
Quyết định này đã được nhiều lãnh đạo của khối này ủng hộ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quyết định này là một phép thử cho chủ quyền và sự tự chủ mạnh mẽ của EU.
Bất chấp việc ngày 8/5, Tổng thống Trump đã công bố quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, lãnh đạo các quốc gia chủ chốt ở châu Âu trong đó có Đức, Anh và Pháp đều cam kết tiếp tục ủng hộ thỏa thuận quan trọng này.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, "tất cả các quốc gia thành viên EU đều tuân thủ thỏa thuận này". Châu Âu là một trong những thành viên đã ký kết JCPOA vào năm 2015, bên cạnh nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, cùng với Iran.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng bày tỏ mong muốn tiếp tục giúp đỡ các công ty của Đức đang làm ăn với Iran, dù thừa nhận điều đó rất khó khăn.