"Hãy Like nếu thấy chú mèo đáng yêu", "Comment nếu yêu Ronaldo và Like nếu thích Messi", "mỗi Like là một cục gạch cho kẻ ác"... là ba trong số rất nhiều lời "rủ rê" của các trang mạng xã hội nhằm đạt được lượt tương tác lớn từ phía người xem. Facebook gọi hành động này là "Like-baiting" (câu Like, mồi chài Like).
Việc News Feed tràn ngập nội dung rác là do bạn bè của các thành viên tự nguyện bấm Like. Tuy nhiên, cuối cùng chính Facebook lại phải hứng chịu các chỉ trích, do đó hãng này quyết định hành động quyết liệt để hạn chế tình trạng trên.
Facebook đưa ví dụ về một nội dung mà họ gọi là Like-baiting.
|
"Chủ sở hữu các trang Facebook nếu cố tình tạo nội dung rác để câu Like sẽ thấy tần suất trang của họ xuất hiện trên News Feed giảm mạnh trong vài tháng tới", đại diện của mạng xã hội lớn nhất thế giới khẳng định.
Mục tiêu của Facebook là mang đến cho người dùng một trang News Feed với nội dung mà họ mong muốn nhất, để họ không bị bỏ lỡ những status hay của bạn bè chỉ vì bị các hình ảnh rác làm rối mắt.
Tuy nhiên, để xác định nội dung spam/quảng cáo và nội dung mà người dùng ủng hộ, Facebook nhờ các thành viên thực hiện một khảo sát để họ phân loại thông tin hiệu quả hơn. Khi bấm mũi tên trỏ xuống ở bên phải các post, người dùng sẽ thấy dòng "Take a survey to improve News Feed" (tham gia khảo sát để cải thiện chất lượng Facebook). Người sử dụng sẽ thông báo cho Facebook biết nội dung đó có phải quảng cáo hay không, từ đó giúp mạng xã hội này lọc thông tin rác tốt hơn.