Đây là chương trình được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ Việt Nam triển khai trong 3 năm từ năm 2014 - 2017 với tổng kinh phí 500 triệu USD.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch thường trực Hội nông dân Việt Nam cho biết, trong những năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam lần này góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân, cải thiện sinh kế cho hộ nghèo và phát triển lâm nghiệp một cách bền vững…
Đến nay, cả nước giao khoán gần 10 triệu ha đất lâm nghiệp cho gần 1 triệu 300 hộ gia đình sản xuất lâm nghiệp và bảo vệ rừng, trong đó số hộ nghèo tham gia gần 500.000 hộ. Phát triển trang trại gắn với rừng đã trở thành phương thức canh tác hiệu quả giúp hàng triệu hộ nông dân ở các vùng miền núi, vùng rừng thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng và sản xuất lâm nghiệp nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp ưu tiên, kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ nhằm giúp các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ, cộng đồng và người dân sống dựa vào rừng và nông nghiệp cải thiện sinh kế, giảm nghèo gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của các hộ dân sinh sống bằng nghề rừng trong quá trình hoạch định chính sách trên cơ sở này phân loại các loại rừng giúp nâng cao công tác quản lý rừng, đồng thời xác định đầu tư trọng điểm hướng đến phát triển lâm nghiệp một cách bền vững, nâng cao thu nhập những người sinh sống bằng nghề rừng.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
|