KTĐT - Dẫn con số 70% người dân sinh sống ở nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, nhấn mạnh chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, được lồng ghép với sự tham gia của các bộ ngành Việt Nam.
Bà Yuriko Shoji, đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng, phát triển nông thôn.
Ngày 10/11, tại hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2010 với chủ đề “Động lực cho nông thôn mới phát triển” ở Hà Nội, bà Yuriko Shoji cho biết Liên hợp quốc sẽ điều phối những hỗ trợ quốc tế để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đề ra.
Trong thời gian qua, nhiều dự án thí điểm thực hiện chính sách tam nông trong nhiều lĩnh vực như quản lý đất, rừng, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, dinh dưỡng đã được FAO hỗ trợ thực hiện và đây sẽ là “những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn mới ở Việt Nam," bà Yuriko Shoji nói.
Dẫn con số 70% người dân sinh sống ở nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, nhấn mạnh chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, được lồng ghép với sự tham gia của các bộ ngành Việt Nam.
Chương trình đặt mục tiêu thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp trên 1,5 lần so với hiện nay vào năm 2015 và 2,5 lần vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8% và 3% (theo chuẩn nghèo năm 2007), tương ứng vào năm 2015 và 2020.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đến năm 2020 đạt từ 3,5-4%/năm; lao động nông nghiệp còn khoảng 30% tổng lao động xã hội; tỷ lệ nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung quy hoạch nông thôn; bố trí lại cơ cấu kinh tế cho từng xã theo hướng kinh tế hàng hóa; chỉnh trang, phát triển hạ tầng nông thôn; đào tạo cán bộ; ưu tiên đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp nông thôn cho rằng việc tăng phân cấp trao quyền cho làng, bản; huy động sự chủ động của từng hộ dân; tăng nguồn kinh phí đóng góp từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước thay vì trông đợi vào ngân sách nhà nước cũng là những giải pháp quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới.
Hội nghị ISG hàng năm là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các bộ ngành, địa phương, cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu thảo luận đề xuất khung hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cơ chế điều phối và hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Một Liên hợp quốc (One-UN) để triển khai chương trình này./.