FED đề xuất quy định cứng rắn hơn với Phố Wall

Chia sẻ Zalo

KTĐT - FED cho biết cả các quy định về vốn và tính thanh khoản đối với các "đại gia" ngân hàng tại Phố Wall sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 20/12 đã đề xuất những quy định mới về vốn và tính thanh khoản đối với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ nhằm đảm bảo các thể chế tài chính này có thể trụ vững trước những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Các quy định trên được đề xuất theo Đạo luật Dodd-Frank đã được thông qua hồi năm ngoái nhằm cải tổ hệ thống tài chính Mỹ và hạn chế các hoạt động kinh doanh đầy rủi ro được coi là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

FED cho biết cả các quy định về vốn và tính thanh khoản đối với các "đại gia" ngân hàng tại Phố Wall sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên sẽ dựa vào các chính sách mà FED đã công bố, ví dụ như kế hoạch kiểm soát nguồn vốn hồi tháng 11 vừa qua. Theo đó, các ngân hàng Mỹ có tổng tài sản trên 50 tỷ USD sẽ phải duy trì lượng tiền mặt tối thiểu tương đương 5% giá trị tài sản của mình nhằm tạo "lớp đệm an toàn" cho các thể chế này khi đối phó với các khoản nợ xấu.

Ngoài mức bắt buộc trên, các "đại gia" có tài sản từ 500 tỷ USD trở lên sẽ phải trích riêng 10% giá trị các khoản cho vay và hợp đồng giao dịch với nhau.

FED cũng thông qua quy định đối với các ngân hàng có tài sản dưới 10 tỷ USD, theo đó những ngân hàng này sẽ phải trải qua các cuộc sát hạch về khả năng sẵn sàng ứng phó với cuộc suy thoái kinh tế mới. Ngoài ra, FED còn có kế hoạch sẽ đưa ra một số quy tắc trong tương lai, như việc thu một khoản phụ phí dựa trên mức độ rủi ro trong các bảng cân đối của các tổ chức lớn hơn.

Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ theo thỏa thuận quốc tế Basel III về mức dự trữ tiền mặt tối thiểu, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Các ngân hàng phải nâng tỷ lệ vốn cấp 1 dựa trên rủi ro (Tier 1 common risk-based capital ratio) bắt buộc lên 7%. Riêng đối với yêu cầu về tính thanh khoản, FED đang chờ Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel bổ sung những khuyến nghị về vấn đề này trước khi đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các ngân hàng Mỹ.

Những quy định mới chặt chẽ hơn của FED đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các ngân hàng tại Mỹ. Họ cho rằng việc duy trì lượng tiền mặt bắt buộc quá cao sẽ ảnh hưởng tới khả năng cho vay. Tuy nhiên, FED lập luận rằng những lợi ích xã hội từ một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích từ các khoản tín dụng ngắn hạn.