Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FTA tạo cơ hội cho xuất khẩu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, cùng với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK).

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại Tọa đàm “Bức tranh xuất nhập khẩu năm 2015” do Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tổ chức chiều 21/12.FTA tạo cơ hội cho xuất khẩu - Ảnh 1

Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, XK đạt 300 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này sẽ cần phải có những chính sách gì, thưa ông?

- Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 được Quốc hội thông qua, tổng kim ngạch XK năm 2016 dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch XK. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng XK. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các DN tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, cũng như đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát thị trường hỗ trợ XK.

Hiện, các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong khi nhóm hàng nông, lâm, thủy sản lại sụt giảm mạnh. Đâu là nguyên nhân?

- Trong năm vừa qua, các ngành hàng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đều rất cố gắng giữ vững sản lượng và duy trì kim ngạch XK, tuy nhiên, do thị trường XK còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kim ngạch XK nhóm hàng này. Bên cạnh đó, nguồn cung của các nước XK nhóm hàng này như Thái Lan, Ấn Độ cũng dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt... Nhiều nước đã duy trì chính sách đồng nội tệ thấp để thúc đẩy XK, và xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước gia tăng đã gây ra nhiều tác động bất lợi cho XK nông sản của Việt Nam.

Từ những yếu tố trên cho thấy, việc cạnh tranh trên thị trường, nhất là những sản phẩm XK có lợi thế của Việt Nam cũng đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc, đó là tái cơ cấu sản xuất theo hướng đầu tư mạnh hơn nữa vào công nghệ chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao thay vì chạy theo số lượng.

Để sản xuất hàng hóa phục vụ XK, DN Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy chúng ta sẽ có giải pháp gì để cân bằng cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc?

- Từ đầu năm đến nay, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 29,5 tỷ USD, tuy nhiên, xét về cơ cấu mặt hàng thì nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, XK sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… Nhưng, trong dài hạn cần nghiên cứu các biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và cân bằng cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã xúc tiến, đàm phán, ký kết các FTA với các nước và khu vực thị trường. Những hiệp định này cũng như việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ đa dạng hóa nguồn cung, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, XK chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử… từ các nước đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời góp phần hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng XK nhóm hàng giá trị gia tăng cao.

Xin cảm ơn ông!