KTĐT - Đánh giá về hiện trạng kinh tế toàn, G20 cho rằng hầu hết các quốc gia vẫn giữ được sự phục hồi.
Quyết định này vừa được Bộ trưởng Tài chính các nước G20 đưa ra tại hội nghị được tổ chức tại Hàn Quốc cuối tuần qua. Cam kết đáng kể nhất là việc mang lại cho các nước đang phát triển vai trò lớn hơn tại IMF.
Bằng việc chuyển giao 2 ghế trong Hội đồng Quỹ Tiền tệ quốc tế của châu Âu cho các nước đang phát triển, IMF dự kiến sẽ nâng tỷ lệ bỏ phiếu của các nền kinh tế mới nổi lên 6%. Tuy nhiên, quyền bỏ phiếu của Mỹ sẽ không thay đổi, chiếm 17% tổng số ghế trong Hội đồng.
Bên cạnh vấn đề cải tổ, các Bộ trưởng cũng cam kết hạn chế việc chạy đua phá giá đồng bản tệ giữa các quốc gia thành viên. Song song với đó là xây dựng một hệ thống tiền tệ theo định hướng thị trường.
Mỹ tiếp tục khăng khăng rằng mình không phải nguyên nhân gây ra "chiến tranh tiền tệ". Ảnh: AFP |
Điểm đặc biệt của hộ nghị G20 lần này là diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đang chịu nhiều áp lực bởi nguy cơ được các chuyên gia gọi là “chiến tranh tiền tệ”. Chính vì lý do này, cuộc đối thoại tại Gyeongji (Hàn Quốc) cũng đã dành khá nhiều thời gian để bàn về chính sách tiền tệ của 2 tác nhân chính gây ra “cuộc chiến” này là Mỹ và Trung Quốc.
Với Trung Quốc, các bên liên quan tiếp tục đề nghị Chính phủ nước này từ bỏ chính sách giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp và tái cơ cấu chính sách tiền tệ một cách toàn diện. Trong khi đó, Mỹ bị chỉ trích bởi chính sách tiền tệ lãi suất thấp, khiến giới đầu tư có xu hướng tìm tới các đồng tiền có lãi suất cao hơn. Điều này khiến các đồng tiền ngoài đôla tăng giá, gây trở ngại cho xuất khẩu của các nền kinh tế đang lên.
Để bào chữa cho quan điểm của mình, Mỹ cho rằng chính sách lãi suất thấp được Cục Dự trữ liên bang nước này áp dụng là nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và không phải là nguyên nhân khiến các quốc gia khác phải chạy đua phá giá bản tệ. FED cũng để ngỏ khả năng bơm một lượng tiền lớn cho nên kinh tế trong một vài tuần tới. Theo hãng tin BBC, động thái này dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm giá đồng USD và nhắm trực tiếp vào chính sách tỷ giá thấp mà Trung Quốc đang áp dụng.
Đánh giá về hiện trạng kinh tế toàn, G20 cho rằng hầu hết các quốc gia vẫn giữ được sự phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi trong nửa cuối 2010 và năm 2011 dự kiến sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2010. Đà phục hồi được đánh giá là không bền vững và không ổn định. Rủi ro suy giảm vẫn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau tại các quốc gia và khu vực, đòi hỏi sự hợp tác để đưa ra những chính sách có phối hợp nhằm mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh (hàng trên cùng, thứ 4 từ trái) cùng Bộ trưởng tài chính các nước G20. Ảnh: MOF |
Tham dự hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh cũng đã có bài phát biểu, đại diện cho các nước ASEAN, nói về vai trò của khối trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng cho biết, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu trong thời gian qua, song ASEAN đã có bước phục hồi mạnh mẽ. ASEAN chia sẻ với G20 về sự cần thiết phải có các kế hoạch củng cố ngân sách, đặc biệt ở một số nước châu Âu. Các quốc gia Đông Nam Á cũng cho rằng việc triển khai thực hiện các hành động chính sách có sự phối hợp trong khu vực và trên toàn cầu sẽ đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững, và khôi phục lòng tin của thị trường.
Tuy nhiên, việc triển khai các hành động chính sách của G20 sẽ tác động tới các nước đang phát triển, trong đó có cả ASEAN. Vì vậy, cần cân nhắc thận trọng nhằm đạt được mục tiêu cân bằng giữa các nước đã phát triển và đang phát triển. Các chính sách này cần được thiết kế nhằm giảm khoảng cách phát triển và tránh những tác động tiêu cực tới các nước có thu nhập trung bình - thấp, giảm các hàng rào bảo hộ mậu dịch nhằm tăng cường tự do thương mại, dịch vụ tài chính và lưu chuyển vốn.