Tuyên bố của G7 kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp." Tuy nhiên, bản tuyên bố không nêu đích danh một quốc gia cụ thể nào.
Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại tại Mie, Nhật Bản ngày 26/5. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Trước đó, hãng tin DPA của Đức dẫn các nguồn ngoại giao cho biết tuyên bố của G7 nhấn mạnh ý nghĩa của việc giải quyết một cách hoà bình tranh chấp trên Biển Đông. Tuyên bố này là sự tiếp nối quan điểm của các ngoại trưởng G7 đã được đưa ra từ tháng 4 vừa qua. Báo die Welt (Thế giới) của Đức dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ: "Chúng tôi có chung quan điểm là muốn giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột (ở Biển Đông)." Theo nhà lãnh đạo Đức, G7 cũng nhất trí coi các thể chế quốc tế, như toà án ở La Hay (Hà Lan), là những nơi hợp pháp cho những tranh chấp như vậy. Dự kiến, toà án ở La Hay sẽ ra phán quyết về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 6 tới, điều Bắc Kinh sẽ không chấp nhận. Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng G7 nên quan tâm tới các vấn đề của mình thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo trên Biển Đông. (Nguồn: CSIS) |
Theo báo die Zeit (Thời đại) của Đức, đây được cho là phản ứng của Bắc Kinh trước kế hoạch của G7 nêu quan điểm của mình về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Báo này cũng cho biết, Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông, đồng thời đã tiến hành xây các đảo nhân tạo, đường băng cũng như căn cứ quân sự để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của họ. Trong khí đó, theo báo The Guardian, Bắc Kinh đang có kế hoạch lần đầu tiên đưa tàu ngầm nguyên tử ra Thái Bình Dương. Thông tin này được đưa ra dựa trên một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và thông tin từ giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc.