Ga ngầm C9: Càng chậm tiến độ, càng đội vốn

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo: “Quy hoạch tổng mặt bằng Ga ngầm C9 - Ga Hồ Hoàn Kiếm thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị ((ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo”.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nếu còn tiếp tục bàn cãi sẽ không kịp tiến độ xây dựng Ga ngầm C9, cũng như cả hệ thống ĐSĐT của Hà Nội nói chung.
 Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Trần Thị Lan Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Trần Thị Lan Anh: Cần thêm giải pháp kỹ thuật công nghệ cao

Vị trí Ga C9 được lựa chọn hiện nay là đã rất phù hợp với tuyến ĐSĐT số 2 cũng như khu vực không gian Hồ Gươm; giải pháp thi công cũng phù hợp, chi phí xây dựng cũng thấp hơn.

Việc xây dựng Ga C9 là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị chủ đầu tư, tư vấn và các đơn vị liên quan trong cả quá trình xây dựng lẫn vận hành tuyến ĐSĐT số 2, tăng cường thêm các giải pháp kỹ thuật. Đặc biệt là nên ứng dụng công nghệ cao, thông minh cùng các giải pháp kiến trúc vào công trình Ga C9. Như vậy sẽ giúp lồng ghép kiến trúc ga với không gian xanh xung quanh, đảm bảo công năng sử dụng mà không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường. Ngoài ra cũng cần xem xét, nghiên cứu thêm về các ảnh hưởng có thể có đối với khu vực trong quá trình vận hành tuyến ĐSĐT số 2 sau này.

 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Thế Minh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Thế Minh: Phương pháp thi công đảm bảo an toàn

Đi ngầm là nhu cầu bắt buộc của các đô thị hiện nay. Đối với Hà Nội, nhất là khu vực trung tâm như Hồ Gươm, tàu điện ngầm là nhu cầu không cần bàn cãi nữa, nếu có tiền chúng ta nên làm từ lâu rồi. Từ nhiều năm trước, chúng ta đã quyết định chọn ĐSĐT số 2 với 10 ga lên xuống và Nhà ga C9 ở vị trí hiện tại là hợp lý. Đặc biệt, Ga C9 không có chức năng liên thông với các tuyến ĐSĐT khác nên đặt ở vị trí bên cạnh Hồ Gươm là phù hợp nhất.

Hà Nội đã đặt ra mục tiêu xây dựng một loạt các tuyến ĐSĐT phù hợp các quy hoạch; được nghiên cứu, xem xét từ 2006 đến nay chứ không phải bây giờ mới đặt ra. Cá nhân tôi thấy hướng tuyến, vị trí Ga C9 này là hợp lý rồi. Với những di sản bên cạnh chúng ta luôn tôn trọng. Tôi cho rằng, với điều kiện, khả năng bây giờ thừa sức để thi công một cách rất an toàn. Đặc biệt là phương pháp được lựa chọn thi công Ga C9 là đào hở (TBM) lại càng đảm bảo an toàn. Chúng ta có thể yên tâm phương pháp cũng như quá trình thi công Ga ngầm C9, sẽ không làm ảnh hưởng gì đến các công trình ở bên trên.
Phó Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam Phạm Đức Nguyên
Phó Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam Phạm Đức Nguyên: Người dân mong mỏi

Tôi ủng hộ và hoan nghênh vị trí đặt Ga ngầm C9 như đã chọn. Vì đây là nơi trung tâm nhất của Hà Nội, không chỉ người dân trong nước mà du khách nước ngoài, ai cũng muốn đến. Vị trí đặt Ga ngầm C9 đã chọn chẳng những không phá hủy, ảnh hưởng gì đến di tích, mà còn tăng thêm giá trị của các di tích lịch sử quanh Hồ Gươm, giúp người dân, du khách tiếp cận tối ưu nhất với không gian này.

Tôi tin rằng, với công nghệ thi công hiện tại, đảm bảo không ảnh hưởng đến các di tích đang có, không gây tiếng ồn hay sụt lún đến mức ảnh hưởng di tích và không gian xung quanh Ga C9.
 Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính: Càng kéo dài càng gây tổn hại

Hà Nội hiện là đô thị 10 triệu dân, giao thông đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng và có xu hướng ngày càng diễn biến xấu đi. ĐSĐT có vai trò rất quan trọng đối với Hà Nội, chậm phát triển ĐSĐT ngày nào, TP còn phải đối mặt với UTGT ngày đó. Tuyến ĐSĐT số 2 đã được phê duyệt từ năm 2008. Nhưng 10 năm qua, không dưới 45 cuộc họp, vẫn chưa thống nhất, quyết định được phương án vị trí Ga C9, do đó chưa thể có được thiết kế cơ sở nhằm triển khai thực hiện. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ tuyến ĐSĐT số 2 mà còn ảnh hưởng chung đến cả hệ thống ĐSĐT của Thủ đô.

Chúng tôi hết sức đồng tình với phương án xây dựng Nhà ga C9. Cần nhớ rằng, chúng ta đang thực hiện dự án tuyến ĐSĐT số 2 bằng nguồn vốn vay ODA. Mà vốn ODA là trách nhiệm, chúng ta càng làm nhanh, làm tốt thì hiệu quả đồng vốn càng cao. Để càng lâu, càng chậm tiến độ thì càng đội vốn, khoản vay càng lớn và kéo theo nhiều hệ lụy, tổn hại cho TP cũng như đất nước.
 Nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Danh Lợi
Nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Danh Lợi: Đã công khai, bàn thảo rất nhiều

Tuyến ĐSĐT số 2 đang thực hiện theo đúng các quy hoạch, được phê duyệt từ 10 năm trước, vậy thì đừng bàn về quy hoạch nữa. Việc so sánh, lựa chọn giữa 10 phương án cho Nhà ga C9 cũng đã được công khai và chốt phương án hiện tại. Tôi nghĩ không nên truy lại các phương án cũ hay nói về hướng tuyến nữa. Mặt khác, vị trí Ga C9 như lựa chọn hiện nay, Hà Nội đã có văn bản trình Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ liên quan như xây dựng, GTVT… Các Bộ đều thống nhất. Hiện còn Bộ VHTT&DL lăn tăn về cửa số 3 của Ga C9 thì chủ đầu tư và tư vấn điều chỉnh thiết kế. Cứ đưa ra họp, hội thảo mãi không làm được thì còn kéo dài hơn nữa mà vẫn không thể triển khai được.

Giờ chúng ta nên tập trung vào bàn các chi tiết về mặt kỹ thuật, kiến trúc… trong quá trình thực hiện thi công. Hồ Gươm là di sản mang cả không gian mở công cộng nên cần phải có kiến trúc mở. Ga C9 sẽ trở thành nơi kết nối, đưa mọi người đến với di sản, bởi vậy cần thiết kế phù hợp với công năng cũng như hài hòa với cảnh quan khu vực.
 PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Nên quyết sớm

Về vấn đề quy hoạch vị trí và tổng mặt bằng Ga C9, có ý kiến chưa đồng tình cũng là bình thường. Bởi đây là công trình nằm trong khu vực đô thị lõi, ngay trung tâm Hà Nội, được nhiều người quan tâm. 10 năm qua đã có rất nhiều ý kiến về mặt quy hoạch hay liên quan đến bảo tồn di sản; hay phân vân về yếu tố kỹ thuật, vấn đề sụt lún... Tuy nhiên, cách đây nhiều năm, các chuyên gia của Nhật cũng như Việt Nam đã chứng minh được, việc thi công ngầm không ảnh hưởng đến công trình bên trên, có các giải pháp kỹ thuật để giải quyết được những lo ngại của dư luận. Tôi cũng nhất trí, ủng hộ đặt Nhà ga C9 ở vị trí như đã chọn.

Điều mong mỏi là Chính phủ cũng như chính quyền TP Hà Nội nên quyết để sớm đưa Dự án vào triển khai. Vì để thống nhất tất cả các ý kiến thì rất khó, luôn có những ý kiến khác nhau. Hà Nội nên dứt khoát và cho triển khai dự án để chấm dứt tình trạng chậm tiến độ, ngăn ngừa nguy cơ dự án tiếp tục đội vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần