Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 41.000 người được tập huấn phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) vừa có báo cáo kết quả bốn năm thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐNĐ TP Hà Nội liên quan đến hỗ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, từ khi triển khai thực hiện nghị quyết trên của HĐND TP đến tháng 10/2017, Chi cục Thú y đã triển khai tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho 40.886 lượt người. Cụ thể: Năm 2014 tập huấn cho 6.277 lượt người; năm 2015 là 8.445 lượt người; năm 2016 là 12.859 lượt người và 10 tháng đầu năm 2017 là 13.305 lượt người. Ngoài ra, Chi cục đã triển khai hỗ trợ khuyến khích đổi mới cơ cấu giống vật nuôi hỗ trợ vắc xin, hóa chất phòng chống dịch bệnh với kinh phí hàng tỷ đồng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Qua đánh giá, công tác tập huấn chủ yếu cho đối tượng là trưởng các đơn vị, cán bộ trạm thú y, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, trưởng ban chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn, thú y viên, những người có liên quan tại chợ, cơ sở giết mổ, ban quản lý các chợ có kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn. Nội dung tập huấn phổ biến Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các kiến thức quản lý nhà nước trong công tác Thú y, kỹ năng thực hiện công tác chuyên môn trong việc thực hiện các công tác: Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chức năng, nhiệm vụ của ban chăn nuôi thú y cấp xã; Phổ biến Luật Thú y và văn bản hướng dẫn thi hành luật; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác quản lý kinh doanh vật tư, thuốc thú y...

Qua việc tập huấn đã giúp cán bộ thú y từ cấp huyện đến thôn, bản hiểu và thực hiện đúng các chức trách, nhiệm vụ được giao góp phần quản lý, giám sát dịch bệnh chặt chẽ từ cấp cơ sở đến chi cục, phát hiện, xử lý các ổ dịch gia súc, gia cầm kịp thời, khoanh vùng dập tắt bệnh có hiệu quả, không để phát sinh thành dịch lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, giúp người dân nhận biết và sử dụng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, hoá chất phục vụ công tác tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và vệ sinh tiêu độc nơi nguy cơ cao các thời điểm nhạy cảm nên từ năm 2014 đến nay tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố ổn định, không có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chăn nuôi…