Gần 5.000 ca nhiễm đang nằm viện, Hà Nội cấp bách triển khai điều trị F0 tại nhà

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Sở Y tế, tính đến thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn đang điều trị cho 4.976. trường hợp F0. Toàn TP có 60 điểm đang phong tỏa, về mức độ dịch, Hà Nội ở cấp độ 2 (màu vàng).

16 chùm ca bệnh phức tạp
Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay (11/10 - 18h00 ngày 03/12): 8.037 ca mắc (trung bình 154,55 ca/ngày), trong đó 3.211 ngoài cộng đồng (39,95%), 3.587 tại khu cách ly (44,63%), 1.212 tại khu phong tỏa (15,08%), 27 ca nhập cảnh (0,34%).
 Tình hình dịch tại Hà Nội tính đến 18h ngày 3/12.

Thành phố hiện có 16 chùm ca bệnh sau:

+ Chùm ca bệnh tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận 414 ca mắc mới. (Trong ngày ghi nhận 10 ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên đã ghi nhận 177 ca mắc. (05 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 178 ca mắc (trong ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã ghi nhận 331 ca mắc. (Trong ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại đường Bưởi, Cống Vị, quận Ba Đình ghi nhận 53 ca mắc. (Trong ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 306 ca mắc. (Trong ngày ghi nhận 01 ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại Phú La, quận Hà Đông ghi nhận 95 ca mắc (02 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại huyện Quốc Oai đã ghi nhận 172 ca mắc (03 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại La Thành, Giảng Võ đã ghi nhận 257 ca mắc. (Trong ngày ghi nhận 05 ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh mới tại Yên Nội, Đồng Quang, Quốc Oai đã ghi nhận 179 ca mắc (Trong ngày ghi nhận 01 ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại thôn Mới, Tốt Động, Chương Mỹ đã ghi nhận 95 ca mắc (trong ngày ghi nhận 05 ca mắc mới)

+ Chùm ca bệnh tại tổ 6, Mộ Lao, Hà Đông ghi nhận 16 ca mắc (02 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại Tân Độ, Xuy Xá, Mỹ Đức ghi nhân 69 ca mắc (trong ngày không ghi nhận ca mắc mới).

+ Chùm ca bệnh tại TT Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng ghi nhận 120 ca mắc (trong ngày ghi nhận 20 ca mắc mới)

+ Chùm ca bệnh tại Khâm Đức, Trung Phụng từ 19/11 ghi nhận 94 ca mắc (trong ngày không ghi nhận ca mắc mới)

+ Chùm ca bệnh tại Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm ghi nhận 29 ca mắc mới

Tính đến 18h ngày 3/12, số điểm đang còn phong tỏa trên địa bàn là 60 điểm.

Các trạm y tế lưu động đã tiếp nhận bệnh nhân

Về điều trị, hiện toàn TP đang điều trị cho 4.976 trường hợp F0 tại các cơ sở y tế. Trong đó: BV Nhiệt đới Trung ương 62; BV Đại học Y Hà Nội 111; BVĐK Đức Giang 144; BV Thanh Nhàn 98; BV Hà Đông 106; BV Sơn Tây 53; BV Bắc Thăng Long 57; BV đa khoa Gia Lâm 37; BV đa khoa Mê Linh 152; BV Tâm thần HN 11; BV Quốc Oai 161; BV Chương Mỹ 154: BV Vân Đình 158; BV Phú Xuyên 183; BV Mỹ Đức 10; BV Ba Vì 10; Cơ sở điều trị KTX Phenikaa 556; Cơ sở điều trị Đền Lừ III 909; Cơ sở điều trị Thượng Thanh 775; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp 967 ca.
 Diễn tập vận hành trạm y tế lưu động tại quận Hoàng Mai

Ngoài các cơ sở trên, Hà Nội đã đưa các trạm y tế lưu động tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Hiện Trạm Y tế lưu động Hoài Đức đang điều trị cho 74 F0; Trạm Y tế lưu động Đan Phượng 56; Trạm Y tế lưu động Thanh Trì 14; Mỹ Đức 16; Sóc Sơn 64; Long Biên 4; Chương Mỹ 34...

Tổng số người tử vong do Covid-19 tại Hà Nội cho đến thời điểm này là 49 trường hợp.

Về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Hà Nội đã tiêm được tổng số mũi tiêm là 12.176.836 mũi. Trong đó, tiêm cho người trên 18 tuổi, mũi 1 là 6.164.968 mũi 1/6.543.328 người (đạt 94,21 % dân số trên 18 tuổi và 71,2 % tổng dân số). Mũi 2 là 5.542.018 mũi (đạt 84,7 % dân số trên 18 tuổi và 63,7 % tổng dân số).

Kết quả tiêm cho người > 50 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 là 87,7 % (1.863.600 mũi /2.124.223 người); Tỷ lệ tiêm mũi 2 là 82,35 % (1.749.407 mũi/ 2.124.223 người).

Kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi, tại 30 quận, huyện, thị xã đã tiêm được 285.989 mũi/307.799 trẻ (đạt 92,9 %).

Kết quả tiêm cho trẻ 12-14 tuổi, TP đã tiêm được 183.861 mũi/394.045 trẻ (đạt 46,65 %).

12 quận, huyện nâng cấp độ dịch

Hôm qua, Hà Nội đã công bố về cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, cấp độ dịch trên địa bàn TPHà Nội ở cấp độ 2.

Có 7 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh) trong phòng, chống dịch gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa. Trước đó, trong thông báo ngày 27.11, Hà Nội có 19 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1. Như vậy, so với 1 tuần trước, hành phố đã giảm 12 quận, huyện ở cấp độ 1; còn lại 23 quận, huyện ở cấp độ 2.
Hà Nội cũng đã tăng thêm 12 quận, huyện ở cấp độ 2 so với tuần trước. Trong tổng số 23 quận, huyện ở cấp độ 2, quận Đống Đa có số ca mắc cộng đồng 14 ngày qua nhiều nhất với 599 ca, số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 79 ca. Đứng thứ 2 là quận Nam Từ Liêm với các con số tương ứng là 322 ca và 57 ca. Quận Ba Đình tương ứng là 258 ca và 57 ca. Quận Hoàng Mai tương ứng là 254 ca và 24 ca. Quận Hà Đông 252 ca và 30 ca...

Về cấp xã, phường, có 523 địa phương ở cấp độ 1 (ngày 27.11 là 535, giảm 12 xã, phường); 53 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 11 xã, phường) và 3 phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam - tăng 1 phường) và không có địa bàn nào cấp độ 4.
3 phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phố Huế (Hai Bà Trưng); phường Khâm Thiên, Trung Phụng (Đống Đa). Cụ thể, trong 14 ngày gần đây, có 3 phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phố Huế với 36 ca mắc trong cộng đồng 14 ngày qua còn số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 202 ca.

Cấp bách triển khai điều trị F0 tại nhà

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới". TP dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa và di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về Thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao. Do đó, Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tại các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của TP, mặc dù hiện nay, số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 0,8%), tuy nhiên khi số ca bệnh tăng nhanh sẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở y tế.

Vì vậy, UBND TP yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.

Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà.

Về triển khai điều trị tại nhà, theo Phương án số 276/PA-UBND của UBND TP, F0 được theo dõi tại nhà là trường hợp không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.

Người nhiễm không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; Không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Độ tuổi người nhiễm gồm: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.

Khi F0 có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có đơn đăng ký gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú; Qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F0.

Trách nhiệm quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà thuộc về ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; Phòng khám và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; Nhân viên tham gia công tác quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà (tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ chức xã hội, đoàn thể...)

Trước cửa nhà người nhiễm phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”; Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng; Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Bảo đảm thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ...

UBND TP yêu cầu người dân tuyệt đối thực hiện thông điệp 5K, luôn luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách an toàn tối đa, hạn chế việc tập trung đông người ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học.

Đồng thời, khuyến cáo người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 cần hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.