Theo đó sẽ triển khai nạo vét trục chính hệ thống sông Nhuệ, cụ thể: Từ K30+800 (đường vành đai 4) đến K61+955, dài 31.155m sông Nhuệ; từ K0 dến K5+328, dài 5.328 sông Duy Tiên; từ K0 đến K1+460, dài 1.460m sông Vân Đình.
Cải tạo bờ đê hệ thống trục chính sông Nhuệ phục vụ quản lý vận hành công trình kết hợp làm nền đường giao thông nông thôn, cụ thể: Sông Nhuệ dài 49.745m, sông Duy Tiên 4.659m, sông Vân Đình 1.460m.
Bên cạnh đó, UBND TP cho phép kè bảo vệ hai bên bờ sông Nhuệ đoạn K30+950 đến K31+350; xây mới, cải tạo, nâng cấp 76 cống trên trục chính hệ thống thuỷ lợi sông Nhuệ; xây mới cầu qua sông Nhuệ tại K60+062.
Hình ảnh sông Nhuệ bị ô nhiễm.
|
Tổng mức đầu tư dự án hơn 599 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó: Chi phí xây dựng hơn 437 tỷ đồng, quản lý dự án gần 5 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng gần 334 tỷ đồng, chi khác gần 18,5 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng gần 36 tỷ đồng, dự phòng hơn 68,7 tỷ đồng.
Dự án triển khai thực hiện trong vòng 4 năm (2014-2017) nhằm bảo đảm cấp nước tưới cho 40.483ha đất canh tác của các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà (Hà Nội) và Duy Tiên, Kim Bảng (Hà Nam), bên cạnh đó, chủ động tiêu úng cho 41.535ha trực tiếp ra sông Nhuệ, sông Duy Tiên và tiêu nước thường xuyên cho 107.530ha lưu vực sông Nhuệ.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên quy hoạch của hệ thống thủy lợi sông Nhuệ có những thay đổi căn bản về tưới và tiêu. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, trục chính sông Nhuệ ngoài nhiệm vụ tạo nguồn tiêu cho cả hệ thống còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là đường dẫn tiêu cho khu vực nội thành Hà Nội (khu vực phía Tây) với diện tích gần 18.190 ha (nằm giữa bờ hữu sông Tô Lịch đến bờ tả sông Đáy. Tuy nhiên, hiện nay lòng sông ngày càng bị bồi lắng, bị thu hẹp bởi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, các công trình xây dựng...