Gần 87.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ, ca nhiễm mới tại Nga dưới 10.000

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số ca tử vong vì nhiễm bệnh Covid-19 của Mỹ hiện tăng lên gần 87.000 người, trong khi Nga lần đầu tiên ghi nhận dưới 10.000 ca mắc mới kể từ 2/5.

Tính đến sáng ngày 14/5, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 300.000 người trên toàn cầu, phần lớn ở châu Âu và Mỹ, kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái.
Mỹ ghi nhận thêm 20.357 ca nhiễm và 1.660 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo số liệu này, trên thế giới đã có 4.518.200 ca mắc Covid-19 chính thức được ghi nhận, trong đó có 302.965 người đã tử vong (tăng lần lượt 92.544 và 5.200 ca so với 24h trước).
Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 1.678.563 người.
Mỹ hiện là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 86.804 người, tiếp đó là Anh (33.614), Italia (31.368), Pháp (27.425) và Tây Ban Nha (27.321).
Tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở Mỹ lần lượt là 1.454.448 và 86.804, sau khi ghi nhận thêm 20.357 ca nhiễm và 1.660 ca tử vong trong 24 giờ qua. 316.305 người đã bình phục, theo số liệu trên Worldometer, trang web cập nhật số liệu Covid-19 trong thời gian thực.
Vấn đề liệu học sinh có nên quay lại trường học vào tháng 9 hay không đang nổi lên như "ngòi nổ" trong cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và các chuyên gia y tế xung quanh tái mở cửa nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 nói rằng lời kêu gọi mở cửa đất nước hết sức thận trọng của cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci là "không thể chấp nhận được".
Ông Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng, trước đó cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu tái mở cửa đất nước quá sớm. "Có nguy cơ thực sự rằng chúng ta có thể châm ngòi một đợt bùng phát dịch không thể kiểm soát", ông Fauci nói trong phiên điều trần trực tuyến trước Ủy ban Thượng viện Mỹ hôm 12/5.
Nhận định này hoàn toàn mâu thuẫn với nỗ lực của Tổng thống Trump, khi nhà lãnh đạo Mỹ chỉ tập trung vào sớm tái mở cửa nền kinh tế. Quan điểm của ông Trump đang được thúc đẩy khi các doanh nghiệp phải gồng mình trả nợ và hàng triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca tử vong trong ngày 14/5 của nước này là 217 người, trong khi con số ghi nhận một ngày trước đó là 184 người. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 8/5, số các trường hợp tử vong do dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha lại vượt mức 200 ca. Hơn 50% số các ca tử vong mới ghi nhận tại vùng Catalonia.
Nga ghi nhận 9.974 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, lần đầu dưới mức 10.000 kể từ 2/5, nâng tổng số người nhiễm lên 252.245.
Trong số ca nhiễm mới, 4.049 người không có triệu chứng, tương đương 40,6%, Trung tâm Xử lý Khủng hoảng do nCoV thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) cho biết.
 Nga ghi nhận 9.974 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày 14/5.
Rospotrebnadzor thông báo thêm 93 người chết vì dịch Covid-19 tại Nga, giảm nhẹ so với mức 96 trong ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong lên 2.305. Số ca tử vong tại Nga chiếm 0,9% ca nhiễm, thấp hơn tỷ lệ 6% tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, cùng một số nước Tây Âu có tỷ lệ trên 10% như Anh, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Italia.
Giới chức y tế Nga cho biết 53.530 người nhiễm nCoV đã hồi phục, tăng 5.527 so với hôm trước. Nga đã thực hiện hơn 6,1 triệu lượt xét nghiệm và đang theo dõi y tế khoảng 259.000 người.
Nga nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19 và chấm dứt kỳ nghỉ có lương của phần lớn người lao động từ hôm 12/5.
Ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 ở Anh lần lượt là 233.151 và 33.614 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.446 và 428 ca. Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới và là nước ghi nhận số người chết cao nhất châu Âu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/5 công bố kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn sau hơn 6 tuần sống dưới lệnh phong tỏa. Bắt đầu từ tuần này, Anh sẽ "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.
Chính phủ Anh cảnh báo suy thoái kinh tế đáng kể do Covid-19 sau khi tăng trưởng quý một giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Italia ghi nhận thêm 992 ca nhiễm và 262 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 223.096 và 31.368.
Chính phủ Italia đã dần nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3 để ngăn Covid-19. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.
Pháp xác nhận 178.870 ca nhiễm và 27.425 ca tử vong, tăng lần lượt 810 và 351 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền đã nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh họ sẵn sàng tái siết chặt hạn chế nếu cần thiết.
Đức ghi nhận thêm 877 ca nhiễm, nâng tổng số lên 174.975, trong đó 7.928 người chết, tăng 67 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.
Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Từ ngày 16/5, Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng, với mục tiêu nối lại đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6. Người nhập cảnh từ các quốc gia ngoài EU như Mỹ và Nga sẽ vẫn bị hạn chế cho đến sớm nhất là 15/6.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 202.918 ca nhiễm và 13.993 ca tử vong, tăng lần lượt 13.761 và 835 trường hợp. Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố do năng lực xét nghiệm còn hạn chế tại quốc gia này.
Tòa án Tối cao Brazil đã ra phán quyết rằng chính quyền bang và địa phương có quyền tự xác định các biện pháp hạn chế xã hội cần thiết để ngăn Covid-19. đi ngược lại mong muốn của Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn thúc đẩy các bang dỡ bỏ lệnh hạn chế.
Ngày 11/5, Tổng thống Bolsonaro mở rộng danh sách các hoạt động kinh doanh được coi là "thiết yếu" để cho phép phòng gym và tiệm làm tóc mở cửa trở lại. Ít nhất 10 thống đốc tuyên bố không tuân theo sắc lệnh của Tổng thống./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần