Theo đó, tính đến hết tháng 9/2016, 1.421 đoàn thanh tra đã phát hiện 8.761 cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, trên địa bàn TP xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 11 người mắc, tuy nhiên đã được xử lý kịp thời, không để xảy ra tử vong.
Thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Hà Ngân |
Hơn 5.000 cơ sở thức ăn đường phố tại 584 xã, phường, thị trấn được kiểm tra công tác ATTP. Trong đó, 80,1% cơ sở có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm; 90,3% cơ sở bày bán thức ăn trên bàn/giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; 83,9% cơ sở có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ và có găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc với thức ăn chín; 81,1% chủ cơ sở được tập huấn kiến thức về ATTP.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc xử lý vi phạm ATTP ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh trong thời gian qua đặc biệt ở 10 xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên một số nơi vẫn còn chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở.
Cùng với đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ cóc, chợ tạm…gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.
Ông Hạnh cho biết thêm, trong những tháng cuối năm 2016, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra đột xuất; Tiếp tục duy trì các mô hình cảnh báo kiểm soát ATTP như mô hình cảnh báo nhanh tại quận Bắc Từ Liêm, mô hình thí điểm kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người tại 10 xã của huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.