Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn biển tên phố nhà báo Thép Mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/3, báo Nhân Dân phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức lễ gắn biển tên phố Thép Mới, nằm trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên.

Tới dự buổi lễ có  Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Hồ Quang Lợi.

Con đường mang tên nhà báo Thép Mới nằm trong khu đô thị Việt Hưng, nối từ đường Vạn Hạnh tới đường Lưu Khánh Đàm, dài 770m, rộng 10,5m, chạy qua các tòa nhà cao tầng của khu đô thị.
Lễ gắn biển con đường mang tên nhà báo cách mạng Thép Mới ngày 18-3-2014.
Lễ gắn biển con đường mang tên nhà báo cách mạng Thép Mới ngày 18-3-2014.
Nhà báo Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc, sinh ngày 15-2-1925 tại TP Nam Định; nguyên quán: Xã Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, mất ngày 28-8-1991 tại TP Hồ Chí Minh. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, trong các phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm báo, trở thành cây bút chủ lực của các tờ Báo Cờ Giải Phóng, Sự Thật, Cứu Quốc Thủ Đô. Năm 1951, Đảng ta quyết định thành lập Báo Nhân Dân- Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam; Nhà báo Thép Mới là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Biên tập Báo Nhân Dân… Năm 1972, trên cương vị Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, được giao chỉ đạo công tác tuyên truyền về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội chống cuộc không kích bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ trên Báo Nhân Dân, ông đã có sáng kiến đặt tên cuộc chiến đấu oanh liệt này là “Điện Biên Phủ trên không”; đồng thời, trực tiếp  viết nhiều bài về cuộc chiến đấu, trong đó có bài xã luận nổi tiếng “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người”.

Không chỉ là một nhà báo tài ba, ông còn là một nhà văn nổi tiếng. Ông viết nhiều bút ký, nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn như: “Cây tre Việt Nam” (năm 1958), “Điện Biên Phủ - Một danh từ Việt Nam” (năm 1965), “Trường Sơn hùng tráng” (năm 1967); thuyết minh các phim: “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” (năm 1980), “Đường về Tổ quốc” (năm 1980). Ông là người đã dịch những tác phẩm có giá trị văn học và cách mạng lớn như: “Thép đã tôi thế đấy”, “Viết dưới giá treo cổ”…

Phát biểu tại buổi lễ, TBT Thuận Hữu khẳng định: Cuộc đời làm báo gần nửa thế kỷ của nhà báo Thép Mới phong phú biết bao. Ông xông pha trong lửa đạn suốt ba mươi năm. Ông là nhân chứng lịch sử quý báu về những sự kiện lớn, nhỏ của cách mạng… Việc thành phố Hà Nội đặt tên nhà báo Thép Mới cho một tuyến phố mới của Thủ đô là niềm vinh dự, tự hào to lớn của tập thể những người làm báo Nhân Dân nói riêng, những người làm báo trong cả nước nói chung. Các thế hệ nhà báo hôm nay nguyện kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của báo Đảng, của nền báo chí cách mạng nước nhà, trong đó có những nhà báo tiêu biểu như nhà báo Thép Mới.