Gắn công tác dân vận trong hòa giải tại tòa án

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TAND các cấp đã gắn hoạt động xét xử của tòa án với công tác dân vận. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác hòa giải trong tố tụng dân sự, tạo điều kiện để các bên tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và đã đạt được kết quả tốt.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, thực chất của hòa giải tại tòa án là công tác dân vận. Bởi lẽ, để hòa giải thành công không phải chỉ có hiểu biết pháp luật hay chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.
Chánh án TAND Tối cao khẳng định rõ vai trò của thẩm phán trong công tác dân vận, yêu cầu thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải như là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; không chỉ giải quyết nội dung chuyên môn mà còn giải quyết nhiệm vụ dân vận của Đảng với tư cách là đảng viên. Vì vậy, các thẩm phán phải tham gia trách nhiệm và đầy đủ tất cả các thiết chế hòa giải.
 Một buổi họp của Tổ hòa giải Tổ dân phố Liên Cơ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hồng Thái
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, hoạt động của tòa án gắn với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đã và đang nỗ lực đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, trong đó hòa giải, đối thoại là một trong những công tác trọng tâm; coi dân vận tốt là chìa khóa mở ra cơ hội hòa giải thành, đối thoại thành các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Những năm qua, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ của tòa án. Đặc biệt trong tố tụng dân sự, tòa tạo mọi điều kiện để các bên tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết vụ việc và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự cũng là một trong những giải pháp mà lãnh đạo TAND Tối cao đã đề ra và quán triệt đến các cấp tòa án để tích cực triển khai thực hiện. Theo thống kê của TAND Tối cao, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm.
Năm 2016, các tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, bằng 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết. Năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%. Năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Năm 2019 là 201.995 vụ, đạt tỷ lệ 52,1%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong Nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020), quy định mô hình hòa giải, đối thoại mới - hòa giải, đối thoại trước tố tụng, tại tòa án đã đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Liên quan công tác dân vận trong hòa giải tại tòa án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đề nghị Ban Dân vận T.Ư quan tâm, ủng hộ, cùng ngành tư pháp, ngành tòa án đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm nâng cao kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải.
“Với việc Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao, hai ngành tòa án và tư pháp tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp đã ký giữa hai cơ quan, nhất là việc đưa quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án đi vào cuộc sống và nhân rộng, triển khai có hiệu quả mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần