Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết nhà trường với doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số 16 (ra ngày 19/1/2015) đăng bài “Tìm lời giải bài toán kinh phí cho nghiên cứu” nêu lên những bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhà khoa học trẻ tại các cơ sở giáo dục đại học, nhất là vấn đề kinh phí.

 Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT).

Khuyến khích

Thưa PGS, các đề tài NCKH của sinh viên  mang tính khả thi cao có được tiếp tục hoàn thiện để áp dụng vào cuộc sống?

- Về chính sách, sinh viên chịu trách nhiệm chính trong các giải thưởng đạt giải Nhất "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" 2014, được ưu đãi tuyển học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước; được ưu tiên khi xét chọn làm giảng viên, cán bộ nghiên cứu, thi đầu vào cao học. Bộ GD&ĐT có chủ trương những đề tài có khả năng ứng dụng sẽ được giới thiệu đến các DN xem xét, đầu tư. Vừa rồi, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng) cũng kêu gọi các DN tài trợ cho các giải thưởng có khả năng triển khai vào cuộc sống. Tôi muốn nói, sinh viên NCKH không phải để có đề tài ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, mà là để các em làm quen với phương pháp, cách tư duy, suy nghĩ độc lập là chính, vì kinh phí đầu tư không đáng bao nhiêu.
Sinh viên trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thử nghiệm Hệ thống điều khiển xe lăn đa chức năng.
Sinh viên trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thử nghiệm Hệ thống điều khiển xe lăn đa chức năng.
Số sinh viên các trường ĐH tham gia hoạt động NCKH còn hạn chế, nhất là khối trường ngoài công lập. Vậy, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp gì để khuyến khích sinh viên các trường tham gia, thưa ông?

- Lý do khiến sinh viên các trường ngoài công lập ít tham gia NCKH là do nhà trường không dành kinh phí cho hoạt động này. Vừa rồi Bộ GD&ĐT có chủ trương mạnh, ban hành công văn yêu cầu các trường phải thực hiện Nghị định 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, tất cả các trường phải dành 5% từ nguồn thu hợp pháp để đầu tư cho NCKH của nhà trường, trích 3% nguồn thu học phí cho sinh viên làm NCKH. Cùng với đó, tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các trường ngoài công lập thực hiện đúng quy định nghị định này, để từ đó có nguồn kinh phí chi cho hoạt động NCKH của sinh viên. Với cách làm này, hy vọng tới đây hoạt động NCKH của sinh viên sẽ có bước khởi sắc hơn.

Sẽ có quy định cụ thể

Nhiều sinh viên nói rằng, cùng với khó khăn về kinh phí, các em không có nhiều thời gian làm NCKH, bởi thời gian học trên giảng đường nhiều. PGS có ý kiến gì về việc này?

- Thực tế là số giờ lên lớp của giảng viên và sinh viên rất nhiều, đôi khi quá tải. Do đó, Bộ GD&ĐT đã rất khẩn trương thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục. Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, đó là tăng cường hoạt động NCKH của sinh viên bởi, NCKH sẽ biến quá trình đào tạo trong nhà trường thành quá trình tự đào tạo. Rõ ràng trong đồng bộ các giải pháp, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các trường phải đổi mới phương pháp đào tạo, giảm bớt lý thuyết hàn lâm, tăng cường thực hành. NCKH chính là để tăng cường khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập, khả năng thực hành. Hiện nay, các trường đang triển khai theo hướng xây dựng lại chương trình và phương pháp dạy và học để cải thiện tình hình.

Thưa ông, muốn sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, nhà trường cần có sự phối hợp với DN. Nhưng hiện nay mối quan hệ giữa hai bên còn mờ nhạt, tới đây, Bộ có giải pháp gì để tạo gắn kết chặt chẽ hơn?

- Nghị định 99 của Chính phủ  đã có những quy định về chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các DN khi đầu tư vào phát triển KHCN trong các trường ĐH. Gắn kết giữa DN với nhà trường, đặc biệt với KHCN là nhu cầu tự thân của họ. DN hoạt động cần lợi nhuận, muốn vậy phải đổi mới công nghệ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Khi DN nhận ra vấn đề ấy, họ phải chủ động hơn. Trước đây, DN chưa thực sự chủ động trong các gắn kết hoạt động với NCKH trong các nhà trường, thì tới Nghị định 99 của Chính phủ đã quy định rõ những ưu ái, đồng thời gắn trách nhiệm của họ với việc đổi mới công nghệ. Cho nên họ phải tìm đến các nhà khoa học trong trường ĐH. Rõ ràng là sự gắn kết ấy sẽ được tăng lên.

Vậy còn trách nhiệm của nhà trường đối với DN?

- Trường ĐH tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các DN đầu tư phát triển vào KHCN trong nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ các nhà trường phải chủ động tìm đến các DN để tìm hiểu nhu cầu và đề nghị đặt hàng. DN phối hợp với trường cùng nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!