Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn sản xuất với tiêu thụ lúa nếp cái hoa vàng hàng hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến vụ mùa năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng được gần 2.000ha, giúp nâng cao hiệu quả canh tác và tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo đại diện nhiều địa phương, việc nhân rộng các vùng lúa đặc sản này cần phải đi đôi với việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

 

Chị Lê Thị Thơm, thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, đây là vụ thứ hai gia đình chị cấy lúa nếp cái hoa vàng nhưng đã thấy rõ ưu thế của giống lúa này. Lúa nếp chỉ phải cấy một dảnh và thưa nên tốn rất ít thóc giống, năng suất vẫn đạt khoảng 170kg/sào. "Giá thóc nếp cái hoa vàng hiện 13.000 - 15.000 đồng/kg nên mỗi sào cũng thu được hơn 2 triệu đồng, trong khi cấy lúa Bắc thơm vào vụ mùa thường bị bạc lá nên năng suất rất thấp" - chị Thơm chia sẻ.

 
Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.Ảnh: Thiện Quang
Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.Ảnh: Thiện Quang
 

Vụ mùa 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội triển khai mô hình thâm canh lúa nếp cái hoa vàng trên diện tích 105ha tại xã Tam Hưng với hơn 200 hộ gia đình tham gia. Triển khai mô hình, Chi cục BVTV phối hợp với Trạm BVTV, Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai đã tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân kỹ thuật sản xuất theo từng thời kỳ sinh trưởng của lúa. Ông Kiều Văn Quy - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tam Hưng cho biết, theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa 2013 đạt khoảng 180 - 190kg/sào, cho giá trị từ 2,2 - 2,7 triệu đồng/sào, cao hơn so với cấy lúa Khang Dân 2,5 - 3 lần. Ngoài xã Tam Hưng, mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng còn được triển khai tại các xã khác như Thụy Lâm, Liên Hà (Đông Anh), Tân Hưng, Phú Minh (Sóc Sơn)… Hiện, diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng toàn TP đạt 1.800ha.

 

Nếp cái hoa vàng là giống lúa đặc sản ở các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có chất lượng gạo thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, nông dân vẫn bị động và bị ép giá trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn chia sẻ, hiện nay đa số nông dân tự tiêu thụ cho các thương lái nhưng việc bán cho tư thương thường giá cả không ổn định. Do vậy, TP, Sở NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

 

Theo ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, tiềm năng của TP vẫn có thể mở rộng diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng lên khoảng 5.000 - 6.000ha. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, tránh để tình trạng sản phẩm làm ra không bán được. Ông Tâm cho rằng, các địa phương khi nhân rộng mô hình cần phải làm tốt công tác quy hoạch. Chẳng hạn, xác định rõ vùng nào trồng lúa nếp làm cốm, vùng nào sản xuất gạo đặc sản. Đặc biệt, đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.