Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý hoạt động lễ hội

Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa trên báo cáo của các địa phương về quá trình chuẩn bị tổ chức lễ hội, tại hội cuộc họp triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2017, sáng 21/1, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đã yêu cầu việc gắn trách nhiệm với người đứng đầu quản lý để lễ hội được diễn ra tốt nhất.

Theo đó, năm 2016, thực hiện chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ, Bộ VHTTDL, HĐND và UBND TP, Sở VHTT Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, quán triệt đến từng địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị đã được ban hành. Do đó, đa phần các lễ hội trên địa bàn đều diễn ra vui tươi, an toàn, tôn vinh được nét văn hóa giàu bản sắc của Thủ đô.
Cụ thể, đối với Lễ hội chùa Hương, Sở VHTT đã phổi hợp với các ban ngành tiến hành kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các hộ, cá nhân làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tổ chức ký cam kết không tái phạm, đồng thời, yêu cầu các chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống không treo thực phẩm tươi sống ra ngoài, không kinh doanh động vật cấm. Nhờ đó mà trong năm 2016, tại lễ hội này không có hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt khách. Những hạn chế của các năm trước cũng được khắc phục cơ bản.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Qúy chủ trì và phát biểu tại hội nghị
Tương tự, tại lễ hội đền Sóc, để đảm bảo các vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ngay trước khi lễ hội diễn ra, Sở VHTT đã có buổi làm việc với UBND huyện Sóc Sơn, BQL đền Sóc và các đơn vị liên quan về việc triển khai công tác chuẩn bị cho lễ hội. Vì vậy, khi bước vào chính hội, các nghi lễ rước được diễn ra đúng kịch bản, văn tế của các thôn làng có chất lượng cao, mang được ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Các đoàn rước được sắp xếp trật tự theo thứ tự đã phân công tạo cho buổi lễ vừa linh thiêng, vừa có ý nghĩa trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.
Tuy nhiên, liên quan đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn tồn tại một số yếu điểm chưa khắc phục được như: Các hàng quán đan xen trong di tích làm mất mỹ quan, gây ách tắc giao thông; Công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo: chưa đủ thùng chứa rác, phế thải, thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức; Hiện tượng cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng; Tình trạng tranh giành khách, đổi tiền lẻ, tự nâng giá hàng dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy lên cao so với quy định… tạo ra những hình ảnh xấu gây phản cảm đối với du khách trong và ngoài khu vực.
Trước những thực trạng đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Văn Quý – Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: để các hoạt động du xuân và lễ hội diễn ra an toàn, an ninh, các địa phương cần phối hợp với Sở, ngành tích cực triển khai các hình thức tuyên truyền, có phương án tổ chức cụ thể và sự phân công rõ ràng từ đơn vị tổ chức, đơn vị phối hợp đến người chịu trách nhiệm để xử lý hiệu quả các vấn đề “nóng” như: vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, tình trạng bán hàng rong, mê tín dị đoan, tăng giá vé trông giữ xe, trong đó, những đồng chí Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa tại địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn nữa và cần nêu cao tinh thần tự chịu trách nhiệm trước huyện ủy và UBND Thành phố.
Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý cũng giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội để các hoạt động văn hóa được diễn ra văn minh, lành mạnh theo đúng chủ trương: “Lễ hội kỷ cương, văn minh, du lịch” mà ngành văn hóa đã đề ra.