Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh đời trong đêm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhờ giới thiệu của một người quen, tôi tới một lò bánh ở khu Xóm Mới, Gò Vấp để xin cất hàng đi bán dạo.

KTĐT - Nhờ giới thiệu của một người quen, tôi tới một lò bánh ở khu Xóm Mới, Gò Vấp để xin cất hàng đi bán dạo. Ông chủ lò bảo: "Mỗi cái chiết khấu bảy trăm, mua mười cái tặng thêm một", để khuyến khích lính mới, ông cho phép ba chuyến đầu tiên được phép trả lại bánh ế và lại còn cho mượn một bộ âm li, loa để rao cho đỡ mỏi miệng.

Nhá nhem tối, tôi xuất phát. Bật công tắc, một giọng nam trầm ngai ngái phát ra trên loa: "Bánh giò, bánh chưng, bánh gai, chưng, giò… đơ…ơ…ơi…". Thúng bánh phía sau khá nặng, tôi lộc xộc đạp xe vào mấy con hẻm xóm lao động, tiếng loa vẫn lảnh lót rao. "Giò!", tôi thắng kít xe, tiếng cô gái : "Nhiêu cái, vậy chú?", tôi giở tấm đậy, hơi nóng bốc lên nghi ngút : "Bánh ngon lắm cháu, năm ngàn một cái…". Có lẽ nhờ mùi bánh hấp dẫn hay sao ấy mà cô gái mua liền ba cái, tôi sướng rơn, bụng bảo dạ: Coi vậy mà mình có duyên đấy chứ! Mới xuất hành đã có người mua.

Phấn khởi, tôi gò lưng đạp tới, có những con hẻm sâu hun hút, đèn đóm lù mù rất dễ sa vào lỗ cống, nhớ lời ông chủ lò bánh dặn: Hẻm nào ngoằn ngèo quá thì đừng vô, dễ mất an ninh lắm đấy! Biết vậy, nhưng dân mặt phố mấy ai chịu ăn quà giữa đêm khuya lơ khuya lắc thế này?.
Đêm Sài Gòn lạ lắm, có những con đường, con hẻm ban ngày tôi vẫn thường đi qua đến quen thuộc, nhưng vào đêm nó bỗng trở lên lạ hoắc lạ hơ. Tôi vẫn một mình một bóng đạp xe trong hiu quạnh. Cũng may có cái máy rao hàng, nó như một người bạn đồng hành trên nẻo đường mưu sinh kiếm sống.

Trước mắt tôi hiện ra một cây cầu bắc qua con kênh đen đặc, đêm đã khuya mà các hàng quán dọc hai bên bờ vẫn sáng đèn. Tôi xuống xe dắt bộ, tiếng loa vẫn bền bỉ rao, đến quán thứ ba thì một bảo vê đồng phục nghiêm chỉnh chặn xe, anh ta chỉ vào chiếc loa: "Khuya rồi, sao để cái "thằng" này la um sùm vậy bố già?", tôi rối rít xin lỗi rồi tắt máy. Gã nhìn thúng bánh hỏi :

- Bánh chưng bi nhiêu?

- Năm ngàn chú ạ!

Tay bảo vệ cười cầu tài: "Bố ơi! Con còn có chín ngàn, ăn một cái thì… còn mua hai lại thiếu…" nhìn điệu bộ của anh ta, tôi gật đầu… bớt.

Thấy tôi áo sống phong phanh, tay bảo vệ mời ngồi tạm nghỉ mệt dưới tán dù ở bãi giữ xe, anh ta bảo: "Bố nghỉ chân chút đi, con đi kiếm cho ly trà nóng, đêm lạnh quá".

Lần đầu tiên trong đời, trong đêm khuya sương giăng, tôi ngồi bên cầu nhấm nháp ly trà "nhất dạ". Tay bảo vệ kể: Quê ở miền Tây lên Sài Gòn kiếm việc, đóng mấy trăm ngàn cho một công ty vệ sĩ mua đồng phục, thêm dăm triệu để được huấn luyện sơ sơ rồi được phân xuống trông xe cho quán nhậu này với mức lương hai triệu.

Một chiếc xe cá viên, bắp chiên với ánh sáng tù mù của ngọn đèn bình như con đom đóm đực trờ tới, thấy tôi ngồi đó anh ta cũng tắp xe vào, mặt lấm tấm mồ hôi dù trời đêm lạnh ngắt , tay cá viên chiên lôi chiếc ghế nhựa xuống ngồi rồi cất giọng rao khê đặc: "Cá viên chiên… bắp chiên…", tiếng lao xao của một đám thực khách vọng ra:

- Cá…á…á…

- Dạ, dạ có ngay.

Anh chàng đứng bật dậy, bật lửa chiếc bếp ga mi ni xào xào xốc xốc một hồi rồi bưng  đĩa cá chiên vàng ươm vào cho khách. Đoạn quay ra, bảo: "Bố bán cho con cái bánh chưng, từ tối đến giớ chưa ăn gì, đói quá". Tôi đưa bánh cho anh ta, đùa: "Cá, bắp lủ khủ thế kia mà than đói", tay cá viên chiên cười méo xệch: "Bố cứ chọc, ngày nào cũng ngửi mùi, ngán tận cổ, ăn gì nổi".
Bất ngờ  có  tiếng nẹt bô như sấm dậy, một đoàn đến cả trăm xe gắn máy rầm rập phóng qua, tay cá viên chiên xanh mặt, lắp bắp: "Lại đám đua xe, Mấy lần con suýt chết với cái lũ âm binh ấy. Ai đời, mới đẩy xe ra từ đầu hẻm thì đụng ngay một đám lạng lách kinh hồn, con chỉ biết đứng như trời trồng miệng lẩm bẩm cầu cho tai qua nạn khỏi".

Tay bảo vệ xem đồng hồ, ngáp: "Còn tiếng rưỡi nữa là được đi ngủ rồi'. Tôi cũng đạp xe đi tiếp. Thúng bánh mới vơi đi một ít, ra đến chỗ vắng tôi lại bật âm li:

- Ch…ư… ư… ng… gi…ò…ò…ga…a…ai…

Ơ hay! Trong màn đêm đặc quánh, tiếng loa rao sao nghe có vẻ ngái ngủ thế này?