Gánh hàng rong vơi, giọt nước mắt đầy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 2-12, mẹ của cô gái vị thành niên đối mặt với tội danh giết người vừa tiếp tế cho con từ trại tạm giam trở về. Trong căn nhà cấp bốn đi thuê ẩm thấp, nấc nghẹn trong tiếng khóc và luôn nhận lỗi lầm về mình.

KTĐT - Chiều 2-12, mẹ của cô gái vị thành niên đối mặt với tội danh giết người vừa tiếp tế cho con từ trại tạm giam trở về. Trong căn nhà cấp bốn đi thuê ẩm thấp, nấc nghẹn trong tiếng khóc và luôn nhận lỗi lầm về mình.

Gánh hàng rong vơi, giọt nước mắt đầy - Ảnh 1


“Nó thương mẹ, biết nghe lời”

Người phụ nữ 41 tuổi, mẹ của Bùi Hồng Ngọc (một trong hai can phạm vị thành niên bị bắt vì hành vi giết người) được mọi người gọi bằng cái tên dân dã là Xíu nhận lời gặp chúng tôi và tận tình chỉ đường vào nhà.

Trong căn phòng trọ cấp bốn ẩm thấp cuối ngõ 75 Trần Khát Chân, chị Xíu đang được hai người phụ nữ cùng bán hàng rong động viên chia sẻ. Khuôn mặt thất thần, mắt đỏ hoe, vừa nói vừa nấc nghẹn, người phụ nữ mệt mỏi và tàn tạ thốt lên: "Tất cả là do lỗi của người làm cha, mẹ đã không dành thời gian dạy bảo con đến nơi đến chốn. Vì lo cuộc sống, mải mê kiếm tiền, mà không lo cho con để con hư hỏng, tôi ân hận lắm...".

Hai bàn tay người mẹ bất hạnh chi chít những nốt sẹo nhỏ do bỏng mỡ, những móng tay đen cáu lại vì nhựa khoai cứ xoắn chặt vào nhau. Chốc chốc, chị lại thốt lên: "Con ơi, con phạm tội mẹ đã đau đớn đến thế này. Vậy nhà người ta mất con còn đau đớn đến mức nào nữa hả con? Các cô ơi, cho tôi gửi ngàn lần xin lỗi đến gia đình người bị hại nhé!" Rồi chị lại khóc nức nở.

Hồng Ngọc là con út trong gia đình có hai chị em gái. Chị cả đã có công việc ổn định tại một tỉnh phía Nam. Cuộc sống của cả gia đình Hồng Ngọc trông vào gánh hàng rong của chị Xíu. Chị Xíu bán ốc trên vỉa hè phường Bách Khoa cho đến khi địa điểm đó bị cấm bán, chị chuyển sang bán bánh khoai, bánh chuối ở một vỉa hè khác.

Bố của Ngọc cũng ốm yếu nên thỉnh thoảng chạy xe ôm hỗ trợ thêm cho vợ nuôi con. Cả gia đình phiêu bạt theo gánh hàng rong của chị Xíu nên ít khi có nơi ở ổn định. Những ngày hàng quán ế ẩm, cả gia đình chị lại về căn hộ nhỏ hơn 20m2, nơi mẹ và gia đình người anh trai chị Xíu ở khu tập thể Mai Hương, tá túc cho qua ngày.

Trong căn phòng trọ gia đình chị mới thuê được gần chín tháng chẳng có gì đáng giá, góc phòng kê một chiếc giường và mảnh đệm cũ, là nơi cả gia đình ngả lưng.

Là người bán hàng rong, nhưng chị Xíu luôn dạy con phải lễ phép với mọi người, ít nhất là ra đường gặp người lớn tuổi phải chào hỏi. Những người hàng xóm của chị công nhận chị rèn con quyết liệt, cả hai đứa đều lễ phép với những người xung quanh.

"Con bé Ngọc mới chỉ đua đòi vài tháng nay thôi, chứ trước nó cũng chịu khó theo mẹ đi bán hàng lắm. Ngày nào hai mẹ con cũng bán hàng xong khoảng 23h đêm mới về nhà. Mẹ nó là người dữ đòn..." - Chị Hoa, chị dâu của mẹ Hồng Ngọc kể.

Cả hai đứa con của chị đi đâu cũng xin phép mẹ và luôn về nhà đúng giờ. Đặc biệt, không đứa nào dám lấy trộm tiền của mẹ để đi chơi. Hễ đứa nào mang điểm 4, điểm 5 về là chị cho ăn cán chổi sưng mông đến vài ngày. Chị Xíu cũng yên tâm phần nào vì nhà nghèo mà cả hai đứa biết thương mẹ...

Thỉnh thoảng cho con tiền đi nét

Năm 2007, chị gái của Ngọc bước vào năm cuối cấp nên chị Xíu dặn Ngọc phải tự cố gắng học để chị dồn thời gian học thi tốt nghiệp và đại học. Học kỳ I năm lớp 7, Ngọc còn được học sinh tiên tiến mặc dù cả hai chị em không có điều kiện học thêm, cũng chẳng có gia sư dạy kèm. Nhưng sang học kỳ hai, do không có ai giám sát việc học hành, Ngọc bỏ bê và phải thi lại mấy môn. Sợ mẹ phạt roi, Ngọc không dám kể và tự ý nghỉ học.

Khi cô giáo thông báo, chị Xíu nén giận, động viên con đến trường, học lại chương trình lớp 7. Vì mặc cảm phải học lại với đàn em, Ngọc nhất định không đến lớp, bất chấp những trận đòn của mẹ. Thấy con gan góc: "Đầu óc con chỉ có vậy thôi, con không học được nữa, mẹ đừng phí tiền đóng cho con nữa", chị Xíu đồng ý để Ngọc ở nhà phụ mẹ bán hàng và thỉnh thoảng cho con tiền đi nét. Chị chỉ nghĩ, nó ở nhà cả ngày, chẳng có bạn bè gì thì cũng cho nó giải trí đỡ buồn. 

Chị Xíu tiếc nuối: "Đáng lẽ, sáng thứ hai, ngày 30/12 con bé (Hồng Ngọc) chính thức đi bán hàng ở một cửa hiệu bán quần áo trẻ em của người quen đồng ý nhận nó vào làm. Nhưng cả tuần trước nó luôn kêu đau đầu, tôi đồng ý cho nó nghỉ ở nhà để có đủ sức khỏe đi làm. Chiều 29/11 nó còn đang làm khoai giúp tôi, khi thằng Huy qua rủ, nó còn chưa kịp thay quần áo rồi đi luôn.

Nhìn cái thằng khuôn mặt hiền như con gái ấy, tôi chẳng mảy may lo điều gì vì chúng vẫn qua lại với nhau mấy tháng nay rồi. Nhưng tối muộn chưa thấy nó về, tôi còn định bụng kiếm roi dâu đánh thật đau để lần sau không về muộn. Nhưng có ai ngờ, đó là ngày nó gây ra tội ác".

Gạt nước mắt, người phụ nữ thì thào "Vài ngày nữa tôi phải gượng dậy đi bán hàng để tích cóp tiền lo cho gia đình nạn nhân. Con dại, cái mang, lỗi do tôi không dạy dỗ nó nên người. Lúc nãy gặp nó mới thấy nó sợ hãi, khóc lóc và luôn lời xin lỗi tôi. Tôi biết làm sao bây giờ?"

Từ nhà Ngọc tới nhà Huy khoảng ba cây số. Nhà Huy ở ngõ đối diện với cổng công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên đường Võ Thị Sáu. Sau cánh cửa kính, căn hộ tầng một khu tập thể Hồ Quỳnh khá tiện nghi chìm trong bóng tối. Người phụ nữ thấp đậm, cắt tóc tém gây ấn tượng mạnh với bộ trang sức từ chiếc kiềng trên cổ, hoa tai, nhẫn đều chế tác bằng vàng là mẹ của Huy. "Tôi đau đầu quá, các chị thông cảm đến vào lúc khác được không?" Chưa kịp nói lời chào chủ nhà, cánh cửa đóng sập lại trước mắt chúng tôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần