Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh nặng đặt lên vai doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đều có sản phẩm thế mạnh đặc trưng, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương đang rất khó khăn, do hoạt động xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.

Chưa có những thương hiệu mạnh 

Các địa phương trong cả nước đã xác lập được hơn 40 chỉ dẫn địa lý và hàng chục thương hiệu tập thể mang tên địa danh gắn liền với sản phẩm như: Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, chè Shan tuyết… Tuy nhiên, những thương hiệu vùng miền này mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản. Theo TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại), cách tiếp cận về thương hiệu vùng miền như vậy là chưa đầy đủ, bởi thương hiệu vùng miền là hình ảnh đại diện, đặc trưng tổng hợp nhiều yếu tố gắn với sản phẩm, chính sách, con người vùng miền đó.

 
Gánh nặng đặt lên vai doanh nghiệp - Ảnh 1
 
Trách nhiệm xây dựng thương hiệu chủ yếu là doanh nghiệp tự lo.Trong ảnh: Sản xuất mỳ ăn liền của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

 
Thực tế cho thấy, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của cả nước nhưng hầu hết chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, "Đến nay các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm chưa có thương hiệu vùng, nên xây dựng được thương hiệu mang cấp quốc gia và quốc tế càng khó thực hiện" - ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ than phiền.

Không chỉ vậy, đa phần DN Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị sản phẩm. Hầu hết các DN chỉ tiếp cận vấn đề bảo vệ thương hiệu theo nghĩa thông thường là đăng ký hoặc xác lập quyền cho nhãn hiệu của mình, nghĩa là đăng ký bảo hộ. Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh của sản phẩm trên thị trường nội địa, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam. 

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Trong hội nhập, vấn đề thương hiệu là yếu tố sống còn của một ngành, DN hay một địa phương. Tuy nhiên, hiện phần lớn thương hiệu Việt Nam chưa có nhiều ở nước ngoài, đó là chưa kể các sản phẩm nổi tiếng liên quan đến nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý dễ bị làm giả, làm nhái. 

Doanh nghiệp phải là lực lượng chủ đạo

Việc xây dựng thương hiệu vùng miền, quốc gia không phải là trách nhiệm của một cá nhân, tập thể mà là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là DN, đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2013, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/6.

Ông Đỗ Kim Lam - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Để xây dựng được thương hiệu sản phẩm vùng miền, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ DN, bởi đây là lực lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chính tại thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, DN còn là lực lượng chủ chốt trong việc ngăn chặn hiện tượng mất hoặc tranh chấp thương hiệu ở trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, bản thân DN trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu cũng cần nhận thức rõ thương hiệu là tài sản vô hình. Do vậy, các DN cần tăng cường liên kết để tăng thêm sức mạnh, cũng như đẩy mạnh đầu tư để thương hiệu sản phẩm trụ vững trên thị trường. "Mặt khác, để xây dựng thương hiệu, DN, địa phương nên bám sát tính chất, đặc điểm chung của mình, chẳng hạn như thương hiệu biển hoặc ngành sản xuất chủ đạo của vùng đó" - ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu ý kiến .

Nhằm hỗ trợ các vùng, miền, DN xây dựng thương hiệu, trong thời gian tới, Nhà nước rất cần sự hỗ trợ bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các DN mới là yếu tố quyết định để thương hiệu của sản phẩm và DN mình được công nhận trên trường quốc tế, đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng lĩnh vực cụ thể.