Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh nặng… thi nhờ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này, một số trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh lên tới vài ngàn, nhưng lại không "chịu" tổ chức thi. Từ đó, việc gửi thí sinh (TS) thi nhờ, khiến cho các trường bị gửi vô cùng bức xúc vì thiệt đơn, thiệt kép và tiềm ẩn rủi ro.

“Né” chịu lỗ

Các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH lên tới vài ngàn mà không tổ chức thi là ĐH Kinh tế và Kỹ thuật Công nghiệp với tổng chỉ tiêu 7.500 sinh viên (SV), ĐH Lao động - Xã hội 4.670 chỉ tiêu, Viện ĐH Mở Hà Nội 2.600 chỉ tiêu… ĐH Công đoàn là trường có số lượng hồ sơ và thí sinh thi nhờ nhiều nhất khu vực miền Bắc. PGS.TS Đinh Thị Mai - Phó Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: "Với 6.006 hồ sơ đăng ký thi nhờ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cử giáo viên và sinh viên đi coi thi".

Mùa tuyển sinh trước, lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề nghị không cho thi nhờ, nhưng Bộ GD&ĐT không đồng ý. "Điều đó không hay lắm. Mình bỏ kinh phí ra để in sao đề thi, thuê phòng thi, cử giám thị coi thi… nhưng TS thi nhờ đến thi, có em nằm ngủ, gây tốn kém kinh phí rất lớn" - GS Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội có một điểm thi ở trường phổ thông, trong đó chỉ có một phòng là TS của trường, còn các phòng còn lại đều là TS thi nhờ.

Gánh nặng… thi nhờ - Ảnh 1

Thí sinh dự thi vào Đại học Công đoàn năm 2013. Ảnh: Phan Chính

Các trường có TS thi nhờ cho biết, họ phải đối mặt với 2 khó khăn, đồng nghĩa với việc "gánh" chi phí cho trường thi nhờ. Thứ nhất, số lượng TS tăng lên thì phải bố trí thêm giám thị, phòng thi, SV coi thi. Đối với SV coi thi, do chưa có kinh nghiệm nên rất dễ vi phạm quy chế và bị kỷ luật. Thứ hai, khó khăn về tài chính. Thế nhưng, khi đề nghị trường có TS thi nhờ hỗ trợ, thì không nhận được sự hợp tác. Bà Mai dẫn chứng: "ĐH Lao động - Xã hội có số TS thi nhờ trường tôi rất đông nhưng khi đến thuê phòng để tổ chức thi cho TS của họ, họ lại lấy giá 600.000 - 700.000 đồng/phòng, đắt hơn các trường khác".

Có năng lực đào tạo, thì phải tổ chức thi

Câu chuyện các trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, nhưng "né" tổ chức thi để giảm nhẹ công việc, bớt chi phí là một bất hợp lý. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu đã được coi là đủ năng lực đào tạo thì bắt buộc phải tổ chức thi tuyển sinh. Nếu không đủ năng lực tổ chức thi, Bộ GD&ĐT nên xem xét năng lực đào tạo của các trường này. Ông Bùi Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội bày tỏ: "Có thể sang năm tôi xếp riêng một khu để tránh tình trạng "ké" thi nhờ. Vì mục đích "ké" nên họ đăng ký vào đây là để quậy, mình trả giá thay là vô lý. Bao năm nay, chúng tôi đều gặp khó khăn về tài chính vì phải bù lỗ và nếu thêm vài ngàn TS thi nhờ".Để giải bài toán thi nhờ, ĐH Y Hà Nội đi tiên phong trong việc giải quyết hài hòa giữa trường tổ chức thi và trường có TS thi nhờ. PGS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội chia sẻ: "Năm nay, trường có hơn 2.700 em thi nhờ. Với lệ phí 105.000 đồng/TS, chúng tôi phải bù lỗ khoảng 45%. Cách đây 3 tháng, chúng tôi mời tất cả lãnh đạo các trường có TS thi nhờ đến trao đổi và đề nghị chia sẻ các khoản lỗ trong tổ chức thi. Lãnh đạo các trường đó vui vẻ chấp nhận. Chúng tôi đã ký hợp đồng, khi tổ chức thi xong chúng tôi sẽ tính toán lỗ bao nhiêu để các trường thanh toán".

Lãnh đạo nhiều trường đề nghị Bộ GD&ĐT nên quy định các trường tuyển sinh chỉ tiêu từ bao nhiêu trở lên phải tổ chức thi. Trường đào tạo được vài ngàn SV thì phải tổ chức thi, nếu không thì đóng cửa.

"Tới đây, khi có Hội nghị tuyển sinh năm 2014, các trường sẽ đề xuất việc này và Bộ sẽ xem xét. Nói chung, Bộ sẽ làm sao để các trường có khả năng thì phải tổ chức thi, để tránh áp lực cho các trường khác".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga