Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gặp khó khi triển khai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 14/11/2012, Bộ NN&PTNT có Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY phê duyệt Kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012, trong đó quy định UBND cấp xã phải lập sổ quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn.

Sau hơn 2 tuần triển khai, quy định trên đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều tại cơ sở.

Khó triển khai

Gia đình anh Lê Đình Lời, cụm 2, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ nuôi 5 con chó, năm nào gia đình cũng tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó. Tuy nhiên, về quy định "Chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký chó với UBND xã và được cấp số" như theo Quyết định 2891 thì anh chưa được biết đến. "Chúng tôi chưa thấy xã triển khai chủ trương này. Hơn nữa, khi chó già hay chết thì tôi lại thay con mới nên việc đăng ký cấp số sẽ rất phức tạp" - anh Lời chia sẻ.

Không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương cũng băn khoăn về quy định mới này. Toàn xã Võng Xuyên có hơn 2.600 con chó, mèo. Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên, tháng 3 hàng năm xã đều tổ chức tiêm phòng cho 100% đàn chó, mèo, sau đó cấp giấy chứng nhận đã tiêm phòng cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai bắt các hộ dân đến đăng ký nuôi nhốt chó, mèo là rất khó.

Gặp khó khi triển khai - Ảnh 1
Việc quản lý chó nuôi ở khu vực ngoại thành còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người dân xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên vẫn sử dụng chó (không xích, không rọ mõm) làm phương tiện săn chuột. Ảnh: Thắng Văn

Ngoài ra, theo Quyết định 2891, sau khi UBND xã bắt được chó, mèo thả rông hoặc bị nghi mắc bệnh dại, Trạm Thú y phải tiến hành nuôi nhốt, theo dõi sức khỏe và chờ gia chủ đến nhận; việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện sau 72 giờ khi không có chủ đến nhận. Theo bà Nguyễn Thị Ngữ, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chương Mỹ, Trạm không có nơi để nuôi nhốt số chó, mèo bắt được. Toàn huyện Chương Mỹ có hơn 40.000 con chó, mèo, trong đó 80% được người dân thả rông, nếu bắt được hết số này thì Trạm nuôi nhốt ở đâu?

Cần sớm tháo gỡ

Theo mục tiêu Bộ NN&PTNT đề ra trong năm 2012, 80% đàn chó nuôi được quản lý và tiêm phòng vaccine. Số ca tử vong do bệnh dại giảm 30% so với năm 2011.
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, sau khi có Quyết định của Bộ NN&PTNT, Chi cục đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Trạm Thú y tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã lập sổ theo dõi và quản lý đàn chó, mèo. Đồng thời, đã in số theo dõi chó và cấp miễn phí cho các đơn vị để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, số lượng đàn chó, mèo lớn (trên 400.000 con), trong đó tập trung nhiều ở vùng nông thôn, kinh tế khó khăn và trình độ nhận thức còn hạn chế. Cùng với đó, chính quyền cơ sở chưa tập trung chỉ đạo, thậm chí một số địa phương khoán trắng cho Ban Thú y cấp xã nên hiệu quả quản lý còn hạn chế.

Việc quản lý chó, mèo là điều rất cần thiết để hướng tới thanh toán bệnh dại. Theo số liệu từ Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2012 cả nước ghi nhận 74 trường hợp tử vong do bệnh dại, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định quản lý chặt chó, mèo trước hết nên áp dụng tại các đô thị, thành phố, còn vùng nông thôn thì cần có lộ trình thích hợp.

Thực chất, việc quản lý chó, mèo đã được quy định từ vài năm nay, đặc biệt là tại Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại động vật và Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên, theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, cho đến nay các địa phương triển khai còn hạn chế, một phần do thiếu kinh phí. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa vấn đề này vào Chương trình mục tiêu quốc gia thanh toán bệnh dại, trong đó mỗi tỉnh sẽ được hỗ trợ 152 triệu đồng/năm.

Ông Kỳ cho biết thêm, hiện nay, Cục Thú y đang soạn thảo hướng dẫn tuyên truyền cho địa phương và người dân thực hiện. Việc triển khai sẽ được "mềm hóa" theo phương thức, cán bộ thôn, xã đến tận nhà thống kê, lập sổ theo dõi cho hộ nuôi chứ không để người dân mang chó, mèo đến UBND xã đăng ký.