Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gặp người thổi hồn cho các công trình khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghé thăm Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ giản dị miệt mài, say sưa bên bàn làm việc với rất nhiều bức vẽ mô tả chi tiết các loài thực vật, mà trong số đó đã có rất nhiều bức được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín tại Mỹ và châu Âu, bà là họa sỹ Lê Kim Chi.

Kỳ công mỹ thuật trong khoa học

Mỗi lần đoàn thực địa của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật trở về, việc đầu tiên là họ đến phòng của họa sỹ Lê Kim Chi để đưa những tiêu bản mới thu thập được. Từ những mẫu tiêu bản này, họa sỹ Kim Chi ngồi làm việc liên tục suốt 3, 4 ngày mới xong một bức vẽ tay hoàn chỉnh của mẫu. 

Dụng cụ làm việc của bà rất giản dị gồm một tờ giấy khổ A4, một chiếc bút chì, một chiếc tẩy, một chiếc bút sắt, một lọ mực, một cái dao lam và một chiếc kính lúp. Từ một mẩu cây, lá, hoa đã khô quắt, bà nhẹ nhàng sắp đặt lại chúng sao cho sinh động như khi còn tươi xanh vươn mình trên đất, rồi thật chậm rãi và tỉ mỉ vẽ lại từng chi tiết nhỏ của cành, lá, hoa. Từng cành có những mấu nào, mắt nào, dáng đứng, độ dài đều phải thật chính xác, từng lá có những mạch nhỏ trên mặt lá, chỉ một chút sai khác cũng có thể bị phân định nhầm sang loài khác, rồi đến hoa, tách bạch từng phần của hoa, cuống, đài, nhụy, vòi... mỗi một mô tả riêng của loài đều thể hiện đúng nhất với thực tế. Như một người thợ truyền thần, bà thổi hồn vào những bản mô tả khoa học. Có điều, độ tỉ mỉ, chính xác và công phu thì đạt đến tột bực.

Thường các tạp chí chuyên ngành tại Mỹ và châu Âu rất khắt khe nhưng chưa từng lần nào vẽ bản mô tả công bố khoa học của bà gửi đi bị trả về hay có phản hồi tiêu cực. 
Họa sĩ Lê Kim Chi say sưa thực hiện các bản vẽ
Họa sĩ Lê Kim Chi say sưa bên bàn làm việc để thực hiện các mẫu vẽ mô tả khoa học.
Quả thực, xem xấp bản vẽ mà bà còn giữ lại được, mới thấy sự trau chuốt đến mức độ tinh vi trong từng tác phẩm. Bà tâm sự: "Mắt kém, hầu như cô phải dùng kính lúp để làm việc. Với những thành phần quá nhỏ của cây, hoa, các nhà khoa học đưa vào kính hiển vi, chụp lại để cô xem, rồi giải thích kỹ cho cô từng chi tiết, phần nào là hình thái đặc trưng loài, để khi vẽ cô chú ý đến, không bỏ sót một chi tiết nào, dù nhỏ nhất".

Lặng thầm cống hiến

Gắn bó với Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật từ khi tốt nghiệp ĐH, họa sỹ Lê Kim Chi đã chứng kiến những thăng trầm trong khoa học công nghệ nước nhà. 

Từ khi những nghiên cứu còn rất hạn chế, việc nghiên cứu hầu như chỉ dừng lại ở mức tra cứu tài liệu, chủ yếu là sách nước ngoài, rồi xoay xở chật vật trong các chuyến công tác hiếm hoi để tận dụng lấy mẫu, điều tra, nghiên cứu cơ bản. Bây giờ, khi khoa học công nghệ được chú trọng đầu tư, việc nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà trong 15 năm trở lại đây, đã có nhiều phát hiện mới hơn, góp phần đưa tên tuổi Việt Nam vào bản đồ khoa học thế giới, xác định được nhiều hợp chất quý, hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt là tại khu vực biển, đảo, vốn trước kia không thuận tiện về giao thông. 
Những bản vẽ của họa sĩ Lê Kim Chi luôn thể hiện sự tỉ mỉ, trau chuốt.
Những bản vẽ của họa sĩ Lê Kim Chi luôn thể hiện sự tỉ mỉ, trau chuốt.
Đã bước vào tuổi 61, qua cái tuổi nghỉ hưu, được vui vầy cùng con cháu, nhưng họa sỹ Lê Kim Chi vẫn say mê đến quên mình trong công việc. Bà bảo, đã nhiều lần Viện tuyển người trẻ để  kế thừa sự nghiệp của bà nhưng chưa được. “Tiếc rằng các em không đủ kiên nhẫn, có tài năng, nhưng để tỉ mỉ vẽ cẩn thận và chi tiết đến độ từng cái mấu nhỏ trên thân cây, từng chùm lông tơ phơn phớt trên bề mặt là thì các bạn không quan sát, cũng không có thì giờ tìm hiểu. Các bạn nhìn mẫu tiêu bản, rồi dùng trí tưởng tượng để vẽ phóng tác. Cách vẽ đó chỉ phù hợp với làm nghệ thuật, còn khoa học đòi hỏi sự chính xác, nếu người họa sỹ mô phỏng lại sự vật mà sai khác, sẽ làm cho những dẫn liệu khoa học không còn tính đúng đắn nữa. Như vậy, bản mô tả sẽ thất bại”- bà trải lòng xen lẫn chút buồn lo.

Đã có tuổi, ngồi vẽ liên tục rất mỏi lưng, mỏi mắt, nhiều lúc tay cứng đờ vì cầm bút vẽ, nhưng bà vẫn thương các bạn trong đội thực địa, đi nghiên cứu, lấy mẫu vất vả về, xác định được loài mới, muốn công bố mà lại thiếu phần vẽ mô tả chi tiết thì không thể được chấp nhận đăng ở các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới. 

Nói về mình bà khiêm tốn: "Mình cũng không có gì là cao siêu cả, như một người thợ, cẩn thận mô tả thật chi tiết, chính xác và đúng với thực tế về một sự vật. Tất cả chỉ cần có vậy. Thực ra, truyền nghề không khó, nhưng làm sao tìm được người có đủ sự nhẫn nại, nỗ lực và nhiệt huyết để truyền được cái tâm với nghề mới là điều khó".

Khi ở bên và trò chuyện càng thấy cảm phục bà, một phụ nữ cả đời  lặng thầm cống hiến cho khoa học mà đòi hỏi lớn nhất chỉ là sớm tìm được truyền nhân để trao lại cho học trò nhiệt huyết, bề dày kinh nghiệm và lòng đam mê với nghề nghiệp.