KTĐT - Theo kịch bản lạc quan, Thế kỷ châu Á, đến 2050, GDP của khu vực sẽ đạt 148.000 tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu.
Đến 2050, GDP của châu Á có thể đạt 148.000 tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu, trong kịch bản lạc quan nhất theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 tại Hà Nội, ADB vừa công bố tổng quan dự thảo báo cáo “Châu Á 2050 - Xây dựng một thế kỷ Châu Á”. Bản dự thảo này cũng là đề tài thảo luận trong phiên họp Hội đồng Thống đốc diễn ra hôm nay, với sự tham gia của các bộ trưởng tài chính đến từ Bangladesh, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, các thứ trưởng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch ADB ông Kuroda. Báo cáo hoàn chỉnh dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 8 sau một loạt các phiên thảo luận khác nhau.
Dự thảo báo cáo cho biết trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang châu Á, với hai kịch bản: Thế kỷ của châu Á và bẫy thu nhập trung bình. Theo kịch bản lạc quan, Thế kỷ châu Á, đến 2050, GDP của khu vực sẽ đạt 148.000 tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38.600 đôla Mỹ, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 đôla Mỹ.
Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khi mức tăng trưởng chậm lại và sự trì trệ trong thu nhập của 5 hay 10 năm tới. Trong khi đó, những nền kinh tế còn lại không thể thúc đẩy được tỷ lệ tăng trưởng trong kịch bản này. Nếu những dữ kiện này xảy ra, GDP châu Á sẽ chỉ đạt 61.000 tỷ USD, chiếm 32% sản lượng toàn cầu vào năm 2050. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP đầu người của khu vực sẽ đạt 20.300 đôla Mỹ.
Theo kịch bản một thế kỷ châu Á, gần như có thêm 3 tỷ người châu Á có thể tận hưởng thành quả của sự thịnh vượng ít nhất cũng sớm hơn một thế hệ so với kịch bản bẫy thu nhập. Hiện tại, một nửa người dân châu Á sinh sống thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản trong khi 900 triệu người tại khu vực này không thể tiếp cận với điện năng.
Bản dự thảo báo cáo nhấn mạnh những nguy cơ và thách thức vẫn tồn tại trên con đường châu Á tiến tới đạt được thành quả phát triển vào giữa thế kỷ này. Đồng thời, đề ra sáu động lực chuyển đổi tại khu vực: sự tiến bộ kỹ thuật, tích lũy vốn, nhân khẩu học và lực lượng lao động, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng thông tin.