Khi mà lời thưa gửi dần thưa thớt, tiếng "xin lỗi", "cảm ơn" cũng trở thành món quà xa xỉ cho những người thân, nhiều người càng thấy xót xa hơn trước những rạn nứt trong quan hệ dưới những mái nhà hiện nay.
Chìm lấp
Một nhà nghiên cứu văn hóa gắn bó cả đời với Hà Nội đã nói rằng, Hà Nội không thiếu những gia đình vẫn giữ được cốt cách văn hóa thực sự, nhưng cũng không ít gia đình đang bị ảnh hưởng từ yếu tố tiêu cực của văn hoá ngoại lai, tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm và nhận thức của các thành viên.
Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và việc coi trọng, đề cao quá mức, thậm chí tôn sùng các giá trị vật chất đang bào mòn dần những quan niệm thuộc về giá trị truyền thống của văn hoá ứng xử gia đình.
Những câu chuyện đau lòng về cách ứng xử giữa cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ như một thứ "ung nhọt" khiến nhiều người bối rối: Liệu có còn cái gọi là cốt cách văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong mỗi gia đình? Dù cho năm nào cũng có tới 80%, thậm chí có nơi đến 90% gia đình được cấp chứng nhận "Gia đình văn hóa", nhưng người ta cứ không thôi băn khoăn: Phải chăng quy chế xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư cần được thực hiện thiết thực hơn là hình thức, chiếu lệ. Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp các hội viên thực hiện tốt văn hoá ứng xử trong gia đình.
Nhưng văn hóa ứng xử ngay từ trong gia đình vẫn như những cái gai chòi ra xã hội: cãi nhau, nói tục, chửi bậy, ích kỷ…, buồn hơn là chém giết cả người thân của mình chỉ vì chút tài sản.Văn hóa thưa gửi với bề trên của người Hà Nội được thiết lập từ đời này sang đời khác và dần dần bồi đắp thành một hệ thống chuẩn mực về văn hóa ứng xử trong gia đình.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, người Tràng An dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn cố gắng hoàn thiện nền nếp gia phong, trước để con cháu trong nhà noi theo, để cho hàng xóm hay bạn bè nhìn vào. Ngày nay, Hà Nội ồn ào, xô bồ hơn, nên cuộc sống trong mỗi gia đình cũng phức tạp và hỗn độn hơn?
Người Hà Nội xưa đi thưa về gửi, trẻ cắp sách đi học thì khoanh tay trước mặt người lớn "Thưa ông bà, thưa bố mẹ, con đi học ạ!". Nay thì có chuyện con vác dao chạy theo đánh bố, vợ réo rắt sỉ vả chồng ngay giữa đường… Nay có cả chuyện hai cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén ở huyện Quốc Oai, có tới bảy người con, nhưng lúc "hoàng hôn cuối đời" lại phải dọn ra đình làng ở…
Những người làm văn hóa cho rằng, văn hóa ứng xử trong gia đình cũng mang tính thời đại, không nên áp đặt những lễ nghi phong kiến thời cha ông mà phải biết chọn lựa. Nhưng những gì hay, những gì đẹp đã trở thành truyền thống cũng cần giữ vững. Và việc xây dựng, hun đúc văn hóa ứng xử trong gia đình đã trở nên cấp bách, bởi gia đình là tế bào của xã hội.
Thắp ngọn lửa sáng
Các nhà nghiên cứu đã khẳng định, không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Tính chất thiêng liêng trong quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và thôi thúc các thành viên tự "hấp thụ" những giá trị gia đình một cách hiển nhiên. Bà Nguyễn Kim Khuê (phường Hàng Bạc), người từng đoạt giải nhất cuộc thi của quận Hoàn Kiếm với chủ đề "Văn hóa ứng xử của phụ nữ trong gia đình" cũng cho rằng, ứng xử trong gia đình chính là phương châm trong dạy dỗ con cái từ nhỏ.
Đó là biết yêu thương, quan tâm và sống có trách nhiệm: Trách nhiệm với gia đình, với người thân, bạn bè... Điều này rất quan trọng vì văn hóa ứng xử trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến cách hành xử của các thành viên trong gia đình ấy ngoài xã hội. Đặc biệt, trong gia đình, người phụ nữ chính là người giúp hình thành nhân cách cho con cái.
Người mẹ giỏi là người giáo dục cách ứng xử tốt cho con từ cách ăn mặc đến đối nhân xử thế. Nghĩa là, văn hóa ứng xử phải đi từ gia đình ra xã hội. Trong một cuộc thảo luận về nâng cao văn hóa giao tiếp trong giới trẻ Hà Nội, nhiều người cũng nhìn nhận văn hóa giao tiếp trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ. Nếu trẻ được giáo dục trong một gia đình hạnh phúc, nền nếp từ nhỏ thì lớn lên trẻ dễ dàng trở thành một công dân có văn hóa. Do vậy, những cử chỉ, lời nói, hành vi của ông bà, cha mẹ, người thân nên là những ngọn lửa nhỏ để thắp lên văn hóa ứng xử trong trẻ một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.
Có lẽ là sốt ruột khi nhìn thấy những biểu hiện xuống cấp của văn hóa ứng xử trong gia đình Hà Nội, nên các chuyên gia đã "hiến kế" đưa chương trình giáo dục văn hóa gia đình vào nhà trường, bởi học sinh là chủ thể, hạt nhân của các gia đình trong tương lai.
Những cách hành xử phù hợp, những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình sẽ là hành trang cho trẻ tự giải quyết những tình huống khó trong cuộc sống. Trên thực tế, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa vào học đường chương trình "Giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch" cho học sinh Hà Nội.
Nhưng những bài học về ứng xử trong gia đình từ sách vở chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu các bậc cha mẹ thực hành được bài học trong nhà. Khi nói về cách ứng xử trong gia đình hiện nay, GS Lê Văn Lan tâm niệm: Nếu mọi sự giáo dục từ gia đình, nhà trường đến những cuộc vận động trong xã hội, chỉ mang tính chất giáo điều, lý thuyết, thì khó mang lại hiệu quả.
Thay đổi cách sống, ý thức của con người là một việc không đơn giản, không thể ngày một ngày hai, nhưng để bảo tồn, phát huy và xây dựng nếp ứng xử có văn hóa của người Hà Nội từ chính trong gia đình phải có biện pháp giáo dục kiên trì và có tính thuyết phục về ý thức, cách hành xử trong từng sự việc, tình huống cụ thể. Và đừng trông chờ vào những tiêu chí, hãy bắt đầu bằng chính lối sống của mỗi thành viên
Xây dựng văn hóa ứng xử nếu bây giờ vẫn bám vào những tiêu chuẩn có tính hình thức sẽ không thể thuyết phục mọi người đón nhận. Bởi thế, trước khi đặt ra mục tiêu phải nhìn vào bản chất vấn đề là xã hội đang chuyển đổi, chủ nghĩa cá nhân bung ra quá nhanh, nên mặt phải cũng có, mặt trái cũng không ít. Ngay cả những gia đình còn giữ được chút ít truyền thống của người Hà Nội cũng không còn nhiều. Nhưng những con người của Hà Nội mới cũng có tinh hoa của họ, chỉ có điều những nét tinh hoa ấy khác xưa. Ngay cả những lối sống mới nó vẫn là văn hóa lành mạnh, nếu có chọn lọc, gây dựng đúng cách. GS Tô Ngọc Thanh |
Bài 4: Hòa trong “phố giăng mắc cửi”